Tuyên Quang
25/05/2023 1.701 lượt xem

THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ TỈNH TUYÊN QUANG

 

 

  1.  THÔNG TIN CHUNG

1. Diện tích: 586.790 ha

2. Dân số: 786.258 người

3. Dân tộc: (các dân tộc chính và tỷ lệ người dân tộc thiểu số)

- Dân tộc thiểu số: 446.358 người (chiếm 56,8%)

- Các dân tộc chính: Tày (205.999 người), Dao (105.515 người), Sán Chay (70.763 người), Mông (21.307 người), Nùng (16.904 người), Sán Dìu (15.410 người), khác (10.460 người).

4. Số đơn vị hành chính: 138 xã, phường, thị trấn.

5. Cơ cấu kinh tế: 

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 25,03%.

- Công nghiệp và xây dựng: 31,92%.

- Dịch vụ: 43, 05%.

6. Cơ cấu dân cư: 

- Phân theo giới tính: Nam: 50,36%; Nữ: 49,64%.

- Phân theo thành thị, nông thôn: Thành thị: 13,82%; Nông thôn: 86,18%.

7. Cơ cấu lao động:

- Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm trong tổng dân số: 62,34%.

- Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng ngày chiếm trong lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên:  98,76%.

8. Tỷ lệ hộ nghèo: 

- Số huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020): 02 huyện, gồm: Huyện Na Hang và huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

- Tỷ lệ hộ nghèo: 11,8%.

- Tỷ lệ hộ cận nghèo: 13,61%

9. Mức thu nhập bình quân đầu người: 3.094.000 đồng/tháng.

  1.  ĐỊNH HƯỚNG ƯU TIÊN VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ GIAI ĐOẠN 2020-2022

1. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

1.1. Thông tin chung về lĩnh vực giáo dục và đào tạo: 

Toàn tỉnh có 151 trường mầm non (trong đó có 147 trường công lập, 04 trường mầm non tư thục; 750 điểm trường (151 điểm trường chính và 599 điểm trường lẻ)); 141 trường có lớp tiểu học với 3.180 lớp, 82.963 học sinh; 155 trường THCS với 1.390 lớp, 48.940 học sinh (trong đó có 20 trường liên cấp TH-THCS); 31 trường THPT với 623 lớp, 24.338 học sinh (trong đó 01 trường liên cấp THCS-THPT, 01 trường liên cấp TH-THCS- THPT).

1.2. Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực Giáo dục và đào tạo

1.2.1. Ưu tiên số 1: Xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục

- Thực trạng cơ sở hạ tầng giáo dục: Toàn tỉnh còn 286 phòng học tạm, mượn, nhờ cấp học mầm non chiếm 13,2%; 244 phòng học tạm và phòng mượn cấp tiểu học chiếm 7,5%; 24 phòng học tạm cấp THCS chiếm 1,6%.

- Kiến nghị: Số lượng phòng học cần xây mới: 403 phòng học để thay thế các phòng học tạm và mượn của cấp mầm non và tiểu học.

- Địa bàn ưu tiên: Huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa...

- Đối tượng ưu tiên: Trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn miền núi.

1.2.2. Ưu tiên số 2: Hỗ trợ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cấp học mầm non

- Thực trạng: Toàn tỉnh hiện có 954 bộ đồ dùng, thiết bị dạy học, còn thiếu 1.222 bộ.

- Kiến nghị: Hỗ trợ trang cấp đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cấp học mầm non, đặc biệt là đồ dùng, đồ chơi phát triển vận động và phát triển trí tuệ tại khu vui chơi ngoài trời và các phòng sinh hoạt chung. Số lượng đồ dùng, thiết bị đề nghị hỗ trợ trang cấp 299 bộ.

- Địa bàn ưu tiên: Các huyện Na Hang, Chiêm Hóa.

- Đối tượng ưu tiên: Trẻ mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn miền núi.

1.2.3. Ưu tiên số 3: Hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin cho các trường phổ thông

- Thực trạng: Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn nên mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng hệ thống hạ tầng CNTT còn nhiều hạn chế, thiếu tính đồng bộ; số lượng máy vi tính/học sinh chưa đảm bảo theo yêu cầu của Bộ GDĐT, nhiều trường THCS chưa có phòng máy vi tính; năng lực ứng dụng CNTT của một bộ phận cán bộ quản lý và giáo viên còn hạn chế, đáp ứng chưa đầy đủ yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới.

- Kiến nghị: Hỗ trợ trang cấp thiết bị và đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ giáo viên, ứng dụng mô hình giáo dục, đào tạo mới trên nền tảng công nghệ thông tin như trên internet, trên thiết bị di động.

- Địa bàn ưu tiên: Các huyện Hàm Yên, Na Hang, Chiêm Hóa.

- Đối tượng ưu tiên: Học sinh THCS vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn miền núi.

2. Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn:

2.1. Thông tin chung về lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT

Tuyên Quang có diện tích đất nông, lâm nghiệp lớn (diện tích đất sản xuất nông nghiệp 95.095 ha, chiếm 16,21%, diện tích đất lâm nghiệp 446.758 ha chiếm 75,28%). Tỉnh đã quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng chè nguyên liệu 9.000 ha, vùng mía nguyên liệu trên 15.500 ha, vùng cam 8.500 ha, vùng nguyên liệu giấy 130.000 ha... Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn như: Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và thiếu liên kết, chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Nông sản hàng hóa được sản xuất theo các tiêu chuẩn được công nhận còn ít: Tiêu chuẩn VietGAP cam chiếm 2,6% diện tích, chè chiếm 0,8% diện tích; tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (SAN) chè 8,1% diện tích; tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ (PGS) cam 0,34% diện tích; chưa có sản phẩm có chỉ dẫn địa lý; cơ sở hạ tầng nông thôn (công trình thủy lợi, kè chắn lũ, công trình nước sạch…) tại một số nơi chưa đảm bảo; đời sống người dân sống gần các khu bảo tồn thiên nhiên còn khó khăn…

2.2. Các nội dung ưu tiên

2.2.1. Ưu tiên số 1Hỗ trợ nâng cao năng lực canh tác nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (đầu tư xây dựng công trình thủy lợi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu).

- Thực trạng: Tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất nông nghiệp: Mưa, lũ, đặc biệt là lũ quét, dông, lốc gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp; hiện tượng rét đậm, rét hại và thiếu hụt nước tưới tại một số thời điểm làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi.

- Kiến nghị: Xây dựng, sửa chữa 05 công trình thủy lợi; xây dựng 01 công trình kè chăn lũ.

- Địa bàn ưu tiên vận động: Các huyện Yên Sơn, Lâm Bình, Sơn Dương, Hàm Yên.

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ: Đồng bào dân tộc thiểu số vùng nông thôn miền núi, địa bàn khó khăn.

2.2.2. Ưu tiên số 2Hỗ trợ nâng cao hiệu quả, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

- Thực trạng: Người dân nông thôn ở một số thôn bản, xã nhất là các huyện phía bắc của tỉnh chưa có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.

- Kiến nghị: Đầu tư xây dựng, sữa chữa 06 công trình nước sạch nông thôn.

- Địa bàn ưu tiên: Các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa.

- Đối tượng ưu tiên: Đồng bào dân tộc thiểu số khu vực nông thôn miền núi, địa bàn khó khăn...

2.2.3. Ưu tiên số 3: Hỗ trợ cải thiện sinh kế người dân vùng đệm và nâng cao năng lực bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên tỉnh Tuyên Quang

- Thực trạng: Các Ban quản lý rừng phòng phòng hộ (3 Ban quản lý) mới được thành lập năm 2019, do nguồn ngân sách hạn hẹp nên chưa được giao đất giao rừng; đặc biệt chưa có chính sách và nguồn lực hỗ trợ người dân sống gần các khu bảo tồn thiên nhiên cải thiện sinh kế và nâng cao năng lực bảo tồn đa dạng sinh học.

- Kiến nghị: Hỗ trợ cải thiện sinh kế người dân.

- Địa bàn ưu tiên: Huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Na Hang, Lâm Bình.

- Đối tượng ưu tiên: Đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Lĩnh vực y tế:

3.1. Thông tin chung về lĩnh vực y tế:

* Hệ thống khám chữa bệnh: Gồm 05 Bệnh viện tuyến tỉnh, 9 Bệnh viện đa khoa huyện và BV Đa khoa khu vực huyện (11 Phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc BV huyện). 

* Hệ thống Y tế dự phòng: Mạng lưới YTDP gồm 7 Trung tâm Y tế huyện, thành phố và 04 đơn vị tuyến tỉnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm TTGDSK;

* Củng cố, phát triển mạng lưới y tế cơ sở xã/phường và thực hiện Tiêu chí Quốc gia về Y tế xã: Đến nay, 138/138 (100%) xã/phường/thị trấn trên toàn tỉnh có Trạm Y tế hoạt động; số lượng cán bộ tại tuyến xã cơ bản được bố trí đầy đủ, bảo đảm mỗi Trạm Y tế có 05-06 cán bộ; đến năm 2020 có 111/138 (80,4%) xã đạt Tiêu chí Quốc gia về Y tế xã. 

* Nguồn nhân lực: Tổng số cán bộ trực thuộc đến 01/01/2020: 1.771 người. Trong đó: 448 Bác sỹ (Bác sỹ CKI: 135, CKII: 45, Thạc sỹ: 37); Dược sỹ Đại học: 45 (DSCKI: 14; Thạc sỹ: 02); Cử nhân y tế công cộng 06; Y sỹ: 442; Kỹ thuật viên: 84; Điều dưỡng 366; Nữ hộ sinh: 113; Cán bộ khác: 183.

3.2. Các nội dung ưu tiên:

3.2.1. Ưu tiên số 1: Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng

- Thực trạng: Đến năm 2020, có 111/138 (80,4%) xã/phường/thị trấn đạt tiêu chí quốc gia y tế xã. Trong đó: huyện Hàm Yên đạt 77,8%, huyện Chiêm Hóa đạt 76,9%, huyện Na Hang đạt 75,0%, huyện Sơn Dương đạt 61,3%. Tỷ  lệ TYT chưa đạt chuẩn/xuống cấp/cần xây mới: 27 trạm. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ xây mới và mua sắm trang thiết bị tại 03 Trạm Y tế thị trấn.

- Địa bàn ưu tiên: Thị trấn Na Hang (huyện Na Hang), thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương) và thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Chiêm Hóa).

- Đối tượng ưu tiên: Đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nông thôn.

3.2.2. Ưu tiên số 2: Hỗ trợ các chương trình y tế dành cho người nghèo như: phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim, khám chữa bệnh; phối hợp tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo cho trẻ em, người già và các đối tượng dễ bị tổn thương.

- Thực trạng: Ở nhiều địa phương, người nghèo ốm đau nhiều hơn, khi ốm bệnh cũng nặng hơn nhưng lại gặp nhiều khó khăn khi đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên. Người nghèo khả năng chi trả thấp hơn nên thường phải sử dụng các dịch vụ chữa bệnh cũng như nơi chữa có chất lượng thấp hơn, tạo ra sự mất công bằng cả về số lượng và chất lượng dịch vụ y tế.

- Kiến nghị: Đề nghị hỗ trợ những chương trình y tế dành cho người nghèo như: phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim, khám chữa bệnh; phối hợp tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo cho trẻ em, người già và các đối tượng dễ bị tổn thương.

- Địa bàn ưu tiên: Tập trung vào các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng II trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Đối tượng ưu tiên: Trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng dễ bị tổn thương.

3.2.3. Ưu tiên số 3: Hỗ trợ phòng chống và điều trị cho người có HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm; phòng chống và giảm tác hại của ma túy, tuyên truyền về nguy cơ và hiểm họa.

- Thực trạng: Trong những năm qua, mặc dù đã có nỗ lực cố gắng trong việc truyền thông phòng chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm; phòng chống và giảm tác hại của ma túy cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng do đặc thù nhận thức chung của đồng bào còn hạn chế, địa bàn rải rác, tập quán phong tục có nhiều khác biệt dẫn đến độ bao phủ của các thông điệp truyền thông còn rất hạn chế. Qua các điều tra cho thấy nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về phòng chống và điều trị cho người có HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm; phòng chống và giảm tác hại của ma túy cho đồng bào thấp hơn người Kinh rất nhiều.

- Kiến nghị: Đề nghị hỗ trợ công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi liên quan đến HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm; phòng chống và giảm tác hại của ma túy cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Địa bàn ưu tiên: Các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa và vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

- Đối tượng ưu tiên: Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

4. Lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội:

4.1. Ưu tiên số 1: Hỗ trợ giáo dục và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

- Thực trạng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chủ yếu là trẻ em mồ côi, trẻ em bị khuyết tật và đa phần các em sống trong các gia đình hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù các cấp, các ngành trong tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tuy nhiên do tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa có nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, vui chơi giải trí cho trẻ em, nhất là các địa bàn vùng sâu, cùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ trẻ em về đồ dùng, thiết bị học tập, sinh hoạt, đời sống (máy vi tính, bàn ghế, quần áo, sách vở, trợ cấp sinh hoạt…) cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với khoảng trên 4.000 trẻ em trong giai đoạn 2020-2022.

- Pham vi thực hiện: Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Đối tượng ưu tiên: Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

4.2. Ưu tiên số 2: Hỗ trợ người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn

- Thực trạng: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 20.000 người khuyết tật, trong đó người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng trên 11.000 người. Người khuyết tật đa số sống trong các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn, do đó không có khả năng tự trang bị những dụng cụ phục hồi chức năng, hỗ trợ chỉnh hình, di chuyển, đi lại, làm việc. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ trang thiết bị/dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, trợ giúp người khuyết tật (xe lăn, chân tay giả, máy trợ thính, kính mắt...) cho hoảng 3.000 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

- Phạm vi: Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

- Đối tượng ưu tiên: Người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

5. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường:

5.1. Thông tin chung về lĩnh vực: Tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường, bảo tồn đa dạng và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn được chú trọng, đổi mới và đi vào chiều sâu. Công tác quản lý, giám sát các nguồn gây ô nhiễm môi trường cũng được thực hiện thường xuyên (thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải nguy hại...). Bên cạnh những mặt đã đạt được thì vẫn còn những hạn chế: Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu còn chưa cao; năng lực của một số cán bộ quản lý môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu còn hạn chế; nguồn kinh phí cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn hạn hẹp…

5.2. Các nội dung ưu tiên:

5.2.1. Ưu tiên số 1: Hỗ trợ các mô hình nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Thực trạng nhận thức về biến đổi khí hậu: Nhận thức và kỹ năng của cộng đồng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Giai đoạn 2020 - 2022: Tỉnh Tuyên Quang chưa có nguồn kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Kiến nghị: Hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức và kỹ năng nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng và cán bộ quản lý môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan trên địa bàn tỉnh.

5.2.2. Ưu tiên số 2: Hỗ trợ các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn trong hoạt động xử lý chất thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật. 

- Thực trạng: Từ năm 2018-2019, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Tuyên Quang đã hỗ trợ các huyện, thành phố trong công tác thu gom, xử lý vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật: lắp đặt được 1.651 bể thu gom và xử lý 34.546 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật với kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020 sẽ lắp đặt được 926 bể và thu gom, xử lý 21,933 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên do địa hình miền núi, dân cư vùng nông thôn thưa thớt, vùng canh tác nông nghiệp trải rộng nên nhiều khu vực vẫn chưa có bể thu gom. Giai đoạn 2021-2022: Tỉnh Tuyên Quang chưa có nguồn kinh phí tiếp theo cho công tác thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn trong hoạt động xử lý chất thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.

5.2.3. Ưu tiên số 3: Hỗ trợ các mô hình phân loại, thu gom rác thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy. 

- Thực trạng: Hiện nay, người dân đã có ý thức hơn trong việc giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon, thay vào đó là sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường (túi vải, tái sử dụng đồ nhựa dùng nhiều lần…). Tuy nhiên công tác phân loại, thu gom rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày còn hạn chế. Giai đoạn 2020 - 2022: Tỉnh Tuyên Quang chưa có nguồn kinh phí cho công tác xây dựng các mô hình phân loại, thu gom rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ các mô hình phân loại, thu gom rác thải nhựa và túi nilon khó phân hủy trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.  

6. Lĩnh vực văn hóa:

6.1. Ưu tiên số 1: Hỗ trợ phát triển một số nghề truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số. 

- Kiến nghị: Mở các lớp nghề cho người dân, tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập các mô hình nghề hiệu quả tại các tỉnh; xây dựng địa điểm giới thiệu, bán hàng, các điểm sản xuất thử nghiệm cho du khách tham gia; hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nghề. 

- Địa bàn ưu tiên: Xã Hùng Mỹ, xã Phúc Sơn huyện Chiêm Hóa; xã Tân Thành, xã Minh Khương, xã Bạch Xa huyện Hàm Yên; xã Sơn Phú huyện Na Hang (thêu, in sáp ong của dân tộc Dao); xã Lăng Can, xã Thượng Lâm huyện Lâm Bìnhxã Hồng Thái huyện Na Hang (dệt thổ cẩm dân tộc Tày); xã Năng Khả huyện Na Hang; xã Yên Nguyên huyện Chiêm Hóa (đàn tính dân tộc Tày); xã Đội Bình huyện Yên Sơn, xã Đại Phú huyện Sơn Dương (trống tang sành dân tộc Cao Lan). 

- Đối tượng ưu tiên: Đồng bào dân tộc thiểu số.

6.2. Ưu tiên số 2: Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng

- Kiến nghị: Hỗ trợ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; nâng cao năng lực cho người dân và cán bộ quản lý trong quản lý và triển khai các hoạt động du lịch; hỗ trợ tiếp cận thị trường, quảng bá xúc tiến du lịch; thực nghiệm một số tua, tuyến kết nối tham quan, du lịch với các điểm du lịch trong tỉnh; mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho người dân; tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập các mô hình nghề hiệu quả tại các tỉnh bạn; củng cố, nâng cao chất lượng các đội văn nghệ quần chúng và trình diễn các lễ thức, lễ hội thông qua sân khấu hóa để biểu diễn phục vụ khách du lịch. 

- Địa bàn ưu tiên: Các huyện Na Hang, Yên Sơn.

- Đối tượng ưu tiên: Đồng bào dân tộc thiểu số.

7. Cơ quan đầu mối về công tác PCPNN ở địa phương:

7.1. Cơ quan đầu mối về hoạt động của các tổ chức PCPNN

- Tên cơ quan: Sở Ngoại vụ tỉnh Tuyên Quang

  • Địa chỉ: Số 4, đường Chiến thắng sông Lô, phường Tân Quang, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
  • Điện thoại: 0207.3817.133 / 0207.3818.593
  • Email: tuyenquang.dfa@gmail.com

7.2. Cơ quan đầu mối về vận động viện trợ PCPNN.

- Tên cơ quan: Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Tuyên Quang

  • Địa chỉ: Địa chỉ: Số 4, đường Chiến thắng sông Lô, phường Tân Quang, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
  • Điện thoại: 0207.3817.526
Yên Bái
25/05/2023 1.602 lượt xem
Vĩnh Phúc
25/05/2023 0 lượt xem
Trà Vinh
25/05/2023 1.799 lượt xem
Tiền Giang
25/05/2023 1.621 lượt xem
Thừa Thiên Huế
25/05/2023 1.708 lượt xem
Thanh Hóa
25/05/2023 1.628 lượt xem
Thái Nguyên
25/05/2023 1.503 lượt xem
Thái Bình
25/05/2023 1.626 lượt xem
Sóc Trăng
25/05/2023 1.670 lượt xem
Quảng Trị
25/05/2023 1.648 lượt xem
Quảng Ngãi
25/05/2023 1.472 lượt xem
Quảng Nam
25/05/2023 1.608 lượt xem