Vufo) Ngày 13/12, tại Hà Nội, Hội nghị Quốc tế lần thứ IV về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã kết thúc tốt đẹp.
Ông Phan Anh Sơn phát biểu tại phiên Bế mạc (Ảnh TV)
Trong khuôn khổ Hội nghị, tại 6 hội thảo chuyên đề, các đại biểu là đại diện các cơ quan, ban, ngành, địa phương, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã nêu một số khó khăn, thách thức cũng như khuyến nghị đối với các vấn đề về công tác phi chính phủ nước ngoài.
Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, các đại biểu khuyến nghị, cần có giải pháp đánh giá mức độ hiệu quả của nguồn lực này trong đó chú trọng tới sự phối hợp giữa các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các cơ quan chuyên môn cấp trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng những khó khăn, hạn chế nguồn nhân lực trong hợp tác triển khai các dự án của tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại địa phương cần được khắc phục ngay; chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các bên nhằm tránh chồng chéo các dự án, chương trình viện trợ cũng như những đối tượng được viện trợ.
Các bên cần nâng cao năng lực trong công tác quản lý giáo dục, năng lực của giáo viên, tìm hiểu nhu cầu hỗ trợ các nhóm yếu thế như cộng đồng dân tộc thiểu số, người già, người khuyết tật, trẻ em…; có giải pháp thúc đẩy tính bền vững, khả năng nhân rộng các dự án nhằm đảm bảo phát triển khu vực, cộng đồng lâu dài hơn.
Theo các đại biểu, đối với lĩnh vực hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và doanh nghiệp vì phát triển bền vững tại Việt Nam, các bên cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đưa ra sáng kiến nhằm tạo ra mạng lưới giữa cơ quan quản lý và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đồng thời thúc đẩy quá trình huy động nguồn lực tài chính, tạo ra môi trường thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có thể thực hiện được công việc của mình. Khối doanh nghiệp cũng đề cập tới việc được cung cấp thông tin về những nhu cầu, mô hình tốt nhất, phù hợp nhất với đặc thù từng doanh nghiệp để có hướng hợp tác, đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam.
Trong lĩnh vực y tế, ngoài khuyến nghị thúc đẩy việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, các bên cần tăng cường sự phối hợp liên ngành trong hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; bám sát Chiến lược chăm sóc sức khỏe quốc gia nhằm có định hướng phù hợp cho các dự án, chương trình, cũng như phù hợp với những đối tượng được thụ hưởng từ các dự án, chương trình viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong thời gian tới là tất yếu vì Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, tuy nhiên hình thức hợp tác sẽ chuyển biến theo hướng bền vững, cùng chia sẻ về mặt giá trị.
Quang cảnh phiên Bế mạc (Ảnh TV)
Trong giải quyết các vấn đề xã hội, khắc phục hậu quả chiến tranh; phát triển kinh tế -xã hội và giảm nghèo; môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế chia sẻ, cập nhật và minh bạch thông tin nhằm tránh chồng chéo các dự án; phối hợp đưa ra những giải pháp đối với 9,7 triệu người nghèo của Việt Nam, trong đó phần lớn nằm trong nhóm yếu thế; tăng cường tiếng nói của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong các vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thảm họa thiên tai…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Phan Anh Sơn khẳng định: Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Các cơ quan quản lý công tác phi chính phủ nước ngoài cam kết tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tốt hơn nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển bền vững.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin hướng tới giản lược, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tăng cường cơ chế chia sẻ, tiếp cận dữ liệu chính xác, tập trung vào thiết kế, giám sát dự án để các hỗ trợ từ phía các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hiệu quả, thiết thực hơn; đổi mới phương thức, hỗ trợ, đồng hành cùng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong đa dạng hóa đối tượng và thị trường vận động gây quỹ cho Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện để các đối tác phi chính phủ nước ngoài tham gia vào các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo, phát triển bền vững tại Việt Nam, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện thành công Chương trình Quốc gia về tăng cường hợp tác, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019-2025; hợp tác với các nhà tài trợ tăng cường công tác kiểm tra giám sát các cơ quan đối tác trong việc tiếp nhận, sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để nâng cao hiệu quả viện trợ.
Nguồn: http://vufo.org.vn/