Quảng Ngãi
25/05/2023 1.447 lượt xem

THÔNG TIN VỀ TỈNH QUẢNG NGÃI

 

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Diện tích: 5.135,2 km2

2. Dân số: 1,3 triệu người, mật độ dân số 253 người/km2

3. Dân tộc: KinhHrêCoXơ-đăng, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số.

4. Số đơn vị hành chính: 13 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm:

- 01 thành phố

- 01 thị xã

- 11 huyện (01 huyện đảo, 05 huyện đồng bằng và 05 huyện miền núi) với 173 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 17 phường, 8 thị trấn và 148 .

5. Cơ cấu kinh tế: 

- Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,64%;

- Dịch vụ chiếm tỷ trọng 29,17%;

- Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,19%.

6. Cơ cấu dân cư: 

- Dân sống tại thành thị là 201.019 người, chiếm 16,3% dân số toàn tỉnh

- Dân sống tại nông thôn là 1.030.678 người, chiếm 83,7% dân số toàn tỉnh

- Dân số nam là 611.914 người; dân số nữ là 619.783 người.

7. Cơ cấu lao động: Số người trong độ tuổi lao động khoảng 840.000 người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt khoảng 53%. 

8. Tỷ lệ hộ nghèo:

- Số huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018-2020: 05 huyện, gồm: Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long và Tây Trà.

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Quảng Ngãi chỉ còn 04 huyện nghèo, đó là: Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây và Minh Long do huyện Tây Trà đã được sáp nhập vào huyện Trà Bồng theo Nghị quyết số 867/NQ-UBTVQH14 ngày 10/01/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng.

- Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7.79%, trong đó, miền núi còn 31,5%.

9. Mức thu nhập bình quân đầu người: GRDP bình quân đầu người đạt 67,4 triệu đồng/người, tương đương 2.868 USD/người.

II. Định hướng ưu tiên vận động viện trợ giai đoạn 2020 - 2022

1. Lĩnh vực y tế:

a. Thông tin chung về lĩnh vực:

- Hiện tại, Cấp cứu 115 thuộc Khoa Khám bệnh - Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi vừa thực hiện chức năng khám bệnh, cấp cứu đa khoa, vừa thực hiện cấp cứu ngoại viện 115 nên khó khăn trong điều hành cấp cứu ngoại viện, dễ bỏ sót các cuộc gọi cấp cứu ngoại viện trong tình huống có nhiều ca cấp cứu tại viện; phương tiện vận chuyển cấp cứu còn thiếu và chưa có liên kết với các đơn vị tuyến huyện và bệnh viện chuyên khoa khác (chưa thành mạng lưới) nên khó khăn trong việc điều tiết, phân luồng cấp cứu ngoại viện.

- Cơ sở hạ tầng của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đang xuống cấp. Sau khi sáp nhập các đơn vị thì trở nên chật chội, trong khi khối lượng công việc lớn, đặc trong những đợt dịch như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A, CoVid-19 và những dịch bệnh nguy hiểm khác. Do đó, nhu cầu đầu tư hạ tầng, thiết bị, nâng cao năng lực dự phòng là rất lớn. Hơn nữa, các đơn vị tuyến huyện, các khoa dự phòng sáp nhập vào Bệnh viện thành Trung tâm Y tế đa chức năng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu về hạ tầng, thiết bị để phòng chống dịch bệnh.

- Nhiều cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã xuống cấp, trang thiết bị y tế lạc hậu ảnh hưởng chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ người dân.

          b. Nội dung ưu tiên:

- Xây dựng trung tâm điều hành cấp cứu và các trạm cấp cứu ở các địa phương.

- Đầu tư phương tiện vận chuyển cấp cứu, trang thiết bị cấp cứu.

- Xây dựng, nâng cấp, sửa chữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi và các Khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV/AIDS của Trung tâm Y tế huyện.

- Đầu tư một số trang thiết bị phục vụ công tác  dự phòng, phòng chống dịch bệnh.

- Nâng cấp, xây dựng, cung cấp trang thiết bị, chuyển giao công nghệ cho các bệnh viện chuyên ngành tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện và các trạm y tế xã, thị trấn.

- Đào tạo nguồn nhân lực: Đào tạo, tập huấn nhân viên y tế để nâng cao năng lực chuyên môn; đào tạo, huấn luyện cán bộ quản lý điều hành, nhân viên cấp cứu  (bác sĩ và các chức danh khác) và cộng tác viên cấp cứu.

c. Địa bàn ưu tiên: 

- Thành phố Quảng Ngãi: Xây dựng Trung tâm điều hành cấp cứu, có thể gắn liền với Bệnh viện Đa khoa tỉnh

- Các địa phương: thiết lập Trạm cấp cứu, có thể gắn với các Bệnh viện thành phố, thị xã, huyện, các Trung tâm y tế huyện có giường bệnh

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

- Khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV/AIDS của các Trung tâm y tế huyện.

- Bệnh viện đa khoa tỉnh, một số Cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, Trạm y tế xã.

 d. Đối tượng ưu tiên: Người dân và đội ngũ y tá, bác sĩ của tỉnh.

2. Lĩnh vực giáo dục

a. Thông tin chung về lĩnh vực

 Tỉnh Quảng Ngãi có 05 huyện miền núi, trong đó có 04 huyện nghèo với hơn 165.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó số học sinh dân tộc thiểu số khoảng hơn 50.000 em. Qua tổng hợp nhu cầu của ngành giáo dục Quảng Ngãi, tổng kinh phí cần bố trí để chống xuống cấp, duy trì trường đạt chuẩn quốc gia, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học giai đoạn 2017-2022 là hơn 3.342 tỷ đồng, trong đó xây dựng trường nội trú, bán trú là điều cần được ưu tiên trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học, theo cha mẹ làm nương rẫy.

Trong thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh miền núi đến trường, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục của tỉnh chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế của ngành giáo dục, phòng học cho giáo dục mầm non còn thiếu, hầu hết cơ sở vật chất của các trường đều cũ, nhiều nơi xuống cấp chỉ đáp ứng được từ 30 đến 40% nhu cầu của học sinh.

b. Nội dung ưu tiên: 

- Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trường học ở các địa bàn khó khăn, miền núi, hải đảo; cải thiện và tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở các trường học; xây dựng và nâng cấp các trường dân tộc nội trú, nhà nội trú, bán trú; xây dựng hệ thống thư viện và nhà vệ sinh ở trường học các cấp, trong đó ưu tiên khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo.

- Xây dựng cơ sở vật chất và cung cấp trang thiết bị cho đào tạo nghề; ưu tiên các dự án dạy nghề cho đối tượng yếm thế, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các mô hình dạy nghề, giáo dục chuyên biệt; trao đổi, liên kết, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường gắn kết giữa đào tạo và thực hành, giữa nhà trường và doanh nghiệp.

- Hoạt động tình nguyện viên quốc tế; thực tập quốc tế, giao lưu, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, phát triển kỹ năng lãnh đạo, năng lực tư duy, hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ, chuyển giao kỹ thuật giáo dục - đào tạo, phát triển giáo dục STEM.

- Hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến, bồi dưỡng năng lực, trình độ cho đội ngũ giáo viên các cấp, ưu tiên các khu vực miền núi, hải đảo và giáo viên thuộc đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên dạy trẻ khuyết tật; đào tạo công nghệ thông tin cho các trường học, ưu tiên địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo.

c. Địa bàn ưu tiên: Các huyện miền núi và huyện đảo Lý Sơn.

d. Đối tượng ưu tiên: Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em các huyện miền núi - hải đảo.

 

3. Lĩnh vực Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em:

a. Thông tin chung về lĩnh vực:

Quảng Ngãi là tỉnh có số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn khá cao. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 370.000 trẻ em từ 0 đến 16 tuổi, chiếm khoảng 26% dân số. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khoảng 15.000 em, chiếm khoảng 4% tổng số trẻ em. 

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã quan tâm và tích cực triển khai các chính sách an sinh xã hội, các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, đã tạo cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Tuy vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt còn cao, hầu hết các em này sống trong các gia đình nghèo, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên các em chưa được quan tâm, chăm sóc đầy đủ.

b. Nội dung ưu tiên:

- Hỗ trợ học bổng cho học sinh và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số;

- Hỗ trợ các chương trình y tế dành cho trẻ em nghèo, người khuyết tật; phối hợp tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo cho trẻ em, người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

- Hỗ trợ thực hiện các chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em;

- Hỗ trợ các chương trình hoạt động giáo dục hỗ trợ nhóm đối tượng yếm thế, trẻ em mồ côi, khuyết tật, lang thang cơ nhỡ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó nhăn;

- Phát triển các trung tâm giáo dục trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài chính cho các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cơ sở bảo trợ xã hội;

- Hỗ trợ xây dựng các trung tâm phục hồi chức năng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin và đối tượng yếm thế; cung cấp trang thiết bị y tế hỗ trợ người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

c. Địa bàn ưu tiên: Các huyện miền núi - hải đảo và các vùng bãi ngang ven biển, các vùng dễ bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

d. Đối tượng ưu tiên:

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em các hộ nghèo vùng nông thôn, các huyện miền núi - hải đảo, các vùng bãi ngang ven biển và các vùng dễ bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

 

 

 

4. Lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp và phát triển nông thôn:

a. Thông tin chung về lĩnh vực:

Năm 2020, tại tỉnh Quảng Ngãi, diện tích lúa gieo trồng ước đạt 73.096 ha, sản lượng lúa ước đạt 432.728 tấn, năng suất ước đạt 59,2 tạ/ha; diện tích cây mì ước đạt 17.583 ha, sản lượng ước đạt 344.627 tấn, năng suất lúa ước đạt 196 tạ/ha. Hiện nay, cây lúa do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài một số diện tích không đủ lượng nước tưới đầu vụ, dẫn đến phải kéo dài thời gian gieo sạ, cây lúa giai đoạn cuối vụ gặp thời tiết không thuận lợi và sâu bệnh tập trung gây hại nên làm giảm năng suất so với lúa chính vụ. Đối với cây sắn, bệnh khảm lá do virus gây hại hiện nay đang tiếp tục lây lan trên diện rộng, một số diện tích có tỷ lệ bệnh cao từ 70% trở lên gây ảnh hưởng lớn đến năng suất cây sắn; bệnh chưa có thuốc phòng trừ, việc sử dụng các biện pháp phòng trừ bệnh trong đó có biện pháp tiêu hủy những ruộng bị bệnh nặng, làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng sắn.

        b. Nội dung ưu tiên:

        - Cây lúa: Tổng diện tích lúa có khả năng bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu 2020 ước khoảng 10.652 ha.

        - Cây sắn: Diện tích cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá vụ Đông xuân 2019- 2020 là 2.893,1 ha.

- Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và chứng  chỉ rừng.

- Trồng rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn; bảo vệ rừng.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng chống buôn bán, nuôi nhốt, giết hại các loại động vật hoang dã; Bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học

- Bảo tồn, khôi phục và phát triển trồng cây Sương Sâm dưới tán rừng 

- Xây dựng các mô hình lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng có giá trị kinh tế.

- Hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho các cơ sở sản xuất các lâm sản.

c. Địa bàn ưu tiên: Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

d. Đối tượng ưu tiên: 

- Những hộ nông dân có diện tích đất lúa bị ảnh hưởng thời tiết và diện tích sắn bị bệnh khảm lá gây hại;

- Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng nhận khoán rừng, cộng đồng dân cư và hợp tác xã.

5. Lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai:

a. Thông tin chung về lĩnh vực:

Quảng Ngãi là một trong những tỉnh thuộc khu vực miền Trung Việt Nam thường xuyên chịu tác động của hầu hết các loại hình thiên tai như: bão, lũ, hạn hán, sạt lở đất,…. Trong 10 năm qua (từ 2009 - 2019), đã có 42 đợt mưa, lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh, 98 cơn bão, 46 ATNĐ xảy ra trên Biển Đông. Thiên tai đã làm cho 170 người chết, hơn 3.300 ngôi nhà bị sập đổ, hơn 63.000 ngôi nhà bị hư hỏng, giá trị thiệt hại về kinh tế hơn 9.900 tỷ đồng. Những nguyên nhân gây thiệt hại chủ yếu là do hệ thống công trình phòng, chống thiên tai của tỉnh còn thiếu, phần lớn nhà ở của người dân chưa đảm bảo khả năng chống chịu trước thiên tai; nhận thức của nhiều người dân còn hạn chế; trang thiết bị, phương tiện, công cụ hỗ trợ ở cấp cơ sở rất thiếu, sơ sài.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có 173 đơn vị cấp xã (trong đó có 89 xã nằm trong vùng thường xuyên bị ngập lụt thuộc lưu vực 04 con sông chính: Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ, Trà Câu và 25 xã ven biển) nên việc bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước khi có thiên tai xảy ra là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm đúng mức để đảm bảo an toàn xã hội trước thiên tai.

Thực hiện Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 13/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, trong các năm qua, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau (ngân sách nhà nước, viện trợ PCPNN, Ngân hàng thế giới,…) tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thực hiện Dự án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại 43 xã vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, qua đó đã góp phần đáng kể vào công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương, giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra, tại các địa bàn này, số người chết do thiên tai đã giảm đáng kể. Vì vậy, nhiệm vụ tăng cường năng lực phòng, chống thiên tai cho cấp xã mà trực tiếp ở đây là Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã và cộng đồng dân cư tại địa phương là rất cần thiết.

b. Nội dung ưu tiên:

- Tổ chức xây dựng Kế hoạch Phòng, chống thiên tai cấp xã giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch Trường học an toàn hằng năm tại các trường học.

- Tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn cho Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

- Xây dựng các công trình quy mô nhỏ phục vụ phòng, chống thiên tai như: hệ thống nước sạch; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai; xây dựng nhà an toàn,…

- Xây dựng, nâng cấp hệ thống các công cụ, thiết bị, công nghệ cảnh báo sớm.

c. Địa bàn ưu tiên:  20 xã thuộc vùng thường xuyên bị ngập lụt thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ.

 d. Đối tượng ưu tiên: 

- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã; Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

- Người dân khu vực thương xuyên chịu tác động cùa thiên tai trong đó tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như: người cao tuổi, người bị khuyết tật, trẻ em.

- Trẻ em là học sinh của các trường Tiểu học và Trung học sơ sở tại địa bàn các xã vùng dự án.

6. Cơ quan đầu mối về công tác PCPNN ở địa phương:

Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi, 39 Phạm Văn Đồng, Tp Quảng Ngãi, ĐT: 0255.3822.623, fax: 0255.3822.771, email: sngv@quangngai.gov.vn.

Yên Bái
25/05/2023 1.519 lượt xem
Vĩnh Phúc
25/05/2023 0 lượt xem
Tuyên Quang
25/05/2023 1.597 lượt xem
Trà Vinh
25/05/2023 1.658 lượt xem
Tiền Giang
25/05/2023 1.575 lượt xem
Thừa Thiên Huế
25/05/2023 1.602 lượt xem
Thanh Hóa
25/05/2023 1.548 lượt xem
Thái Nguyên
25/05/2023 1.472 lượt xem
Thái Bình
25/05/2023 1.527 lượt xem
Sóc Trăng
25/05/2023 1.587 lượt xem
Quảng Trị
25/05/2023 1.550 lượt xem
Quảng Nam
25/05/2023 1.524 lượt xem