Tiền Giang
25/05/2023 1.609 lượt xem

TÓM TẮT THÔNG TIN VỀ TỈNH TIỀN GIANG

            I. THÔNG TIN CHUNG

            1. Diện tích: Tiền Giang có diện tích tự nhiên là 2.510,61 km, chiếm 0,76% diện tích cả nước, 6,2% diện tích ĐBSCL. 

2. Dân số: Dân số trung bình của tỉnh năm 2019 ước tính 1.765.962 người, bao gồm: dân số nam 865.620 người, chiếm 49% tổng dân số, dân số nữ 900.342 người, chiếm 51%. 

3. Dân tộc: Đa số là dân tộc kinh, các dân tộc thiểu số chiếm 0,44%; trong đó dân tộc Hoa chiếm 0,38 %, còn lại là người Khmer, Chăm, Tày, Thái, ... 

4. Số đơn vị hành chính: Tỉnh Tiền Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy và các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Tân Phước. 

5. Cơ cấu kinh tế: Năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 38,8%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 27,2%; khu vực dịch vụ chiếm 28,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,8%. 

6. Cơ cấu dân cư: Dân số khu vực thành thị là 247.583 người, chiếm 14% tổng dân số; dân số khu vực nông thôn là 1.518.379 người, chiếm 86%. 

7. Cơ cấu lao động: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2019 là 1.381.079 người, trong đó lao động nam là 662.000 người, chiếm 47,9%; lao động nữ là 719.000 người, chiếm 52,1%; lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 210.346 người, chiếm 15,2%; lực lượng lao động ở nông thôn là 1.170.733 người, chiếm 84,8%. 

8. Tỷ lệ hộ nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh năm 2019 là 2,51%. 

9. Mức thu nhập bình quân đầu người: tổng sản phẩm bình quân đầu gười đạt 55,7 triệu đồng/người/năm. 

II. ƯU TIÊN VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ GIAI ĐOẠN 2020-2022

1. Lĩnh vực Nông nghiệp và phát triển nông thôn: 

1.1. Ưu tiên số 1: Xây dựng nông thôn mới, phát triển ngành, nghề, thủ công mỹ nghệ: 

- Thực trạng: Tiền Giang nằm giữa hai cửa sông chính là sông Tiền và sông Vàm Cỏ 

- Soài Rạp, tiếp giáp biển Đông và có hệ thống kênh rạch nội tỉnh chằng chịt nên chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai do nước biển dâng, triều cường từ biển Đông và sạt lở đất bờ biển, bờ sông gây thiệt hại về người và tài sản. Hiện nay vấn đề sạt lở xãy ra rất phức tạp, ảnh hưởng lớn đời sống người dân khu vực bị thiên tai, nguy cơ bị thiên tai. Đòi hỏi phải đầu tư các cụm bố trí dân cư tập trung để bố trí cho đối tượng không có đất di dời bố trí theo hình thức xen ghép. 

- Kiến nghị: Xây dựng cụm dân cư để hỗ trợ bố trí ổn định dân cư cho hộ bị thiên tai, nguy cơ bị thiên tai, số lượng cụm xây mới: 01 (Cụm dân cư ấp Thống, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) bố trí tập trung cho 20 hộ có nguy cơ cao do ảnh hưởng của sạt lở bờ sông Tiền trên địa bàn xã Hòa Hưng và các xã lân cận. 

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Huyện Cái Bè do khu vực này thường xuyên bị thiên tai, nguy cơ bị thiên tai (sạt lở bờ sông mất nhà ở) cần phải hỗ trợ di dời vào nơi an toàn.

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Hộ gia đình bị thiên tai, nguy cơ bị thiên tai do bị sạt lở bờ sông bị mất nhà ở nhưng không có đất để di dời xen ghép, phải hỗ trợ bố trí vào cụm dân cư tập trung. 

1.2. Ưu tiên số 2: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh; Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi: 

a) Xây dựng hệ thống giám sát sâu rầy thông minh phục vụ công tác dự tính dự báo trong phòng trừ dịch hại trên cây lúa.

- Thực trạng hệ thống dự tính dự báo dịch hại: Toàn tỉnh hiện đang có 30 bẫy đèn truyền thống để theo dõi tình hình rầy nâu di trú; trên cơ sở đó xây dựng lịch thời vụ và chỉ đạo gieo sạ đồng loạt, né rầy cho từng vùng tránh được rầy mầm bệnh lan truyền bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa. Tuy nhiên, việc theo dõi bẫy đèn truyền thống còn có những hạn chế như phụ thuộc vào nguồn điện sinh hoạt trong gia đình nên không thể đặt bẫy đèn ở địa điểm mong muốn, điện được kéo ra ruộng nên tiềm ẩn nguy cơ không an toàn, phải canh thời gian để bật và tắt đèn hàng đêm, mất nhiều thời gian để đếm và phân loại côn trùng vào trong bẫy đèn, tốn kém chi phí thuê hộ dân theo dõi bẫy đèn hàng năm. Các bẫy đèn được đặt qua nhiều năm nên đã xuống cấp và gỉ sét. Trong năm 2020, do nguồn kinh phí phòng chống dịch bệnh trên cây trồng hạn hẹp nên tỉnh chỉ đầu tư lắp đặt được 01 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh dự kiến tại huyện Cái Bè. 

- Kiến nghị: Lắp đặt thêm 4 hệ thống hệ thống giám sát sâu rầy thông minh trong các khu vực trọng điểm sản xuất trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí ước tính khoảng 1.000.000.000 đồng (một tỷ đồng). 

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Huyện Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây và Gò Công Đông. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Các địa phương sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, thường bị ảnh hưởng rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên cây lúa gây giảm năng suất ở địa bàn 4 huyện Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây và Gò Công Đông. 

b) Đầu tư thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật thông minh trong phòng trừ dịch hại 

- Thực trạng: 

+ Toàn tỉnh hiện chưa có dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng các thiết bị thông minh, nông dân chủ yếu phun thuốc bảo về thực vật (BVTV) bằng các loại bình phun truyền thống nên còn nhiều hạn chế trong sản xuất như: tốn kém nhiều thời gian, công sức và chi phí, hiệu quả phòng trừ dịch hại chưa cao, sức khỏe bị ảnh hưởng, đặc biệt gây ô nhiễm môi trường. Với việc trang bị thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật thông minh sẽ mang lại nhiều lợi ích như giảm sức lao động, tiết kiệm nước 70% và thuốc sâu đến 40%, tiết kiệm thời gian phun thuốc, giảm giá thành sản xuất, loại bỏ mối nguy hiểm về sức khỏe cho người nông dân khi không phải trực tiếp phun thuốc và góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường ở nông thôn. 

+ Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ đầu tư các thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật thông minh trong phòng trừ dịch hại trên cây trồng và chi phí đầu tư cho các thiết bị này khá cao. 

- Kiến nghị: Đầu tư 11 thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật thông minh trong phòng trừ dịch hại trên cây trồng với tổng kinh phí ước tính khoảng 8.000.000.000 đồng (tám tỷ đồng).

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: 11 huyện, thị trên địa bàn toàn tỉnh. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: các hợp tác xã trọng điểm về sản xuất trồng trọt của 11 huyện, thị thành. 

1.3. Ưu tiên số 3: hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã 

- Thực trạng: Tiền Giang có 57 hợp tác xã nông nghiệp nằm trên các vùng chuyên canh cây ăn trái, rau màu, lúa gạo lớn của tỉnh. Các hợp tác xã là đầu mối tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, sản phẩm của các hợp tác xã chủ yếu là nông sản thô, giá trị gia tăng thấp; nguyên nhân chủ yếu là sự lạc hậu về công nghệ, trình độ hạn chế trong các khâu marketing, phân phối và tiêu thụ. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã, phát triển chuỗi giá trị sản xuất bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới. 

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ trái cây, lúa gạo, rau màu. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ trái cây, lúa gạo, rau màu. 

2. Lĩnh vực giáo dục:

2.1. Ưu tiên số 1: Phát triển cơ sở vật chất cho đào tạo và giáo dục nghề nghiệp

- Thực trạng: Hiện nay cơ sở trang thiết bị đào tạo của các trường đại học, cao đẳng của tỉnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh, sinh viên. 

- Kiến nghị: 

+ Tại Trường Cao đẳng Tiền Giang: Hỗ trợ thiết bị đào tạo nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí và nghề Điện công nghiệp (ngành điện – điện tử); Hỗ trợ máy tính, bộ máy chiếu (máy chiếu và màn chiếu điện) và bộ thiết bị thiết kế giác số trên máy tính (ngành may thời trang). 

+ Tại Trường Đại học Tiền Giang: Đầu tư các trang thiết bị để xây dựng Phòng thí nghiệm về tự động hóa, ứng dụng Robot và trí tuệ nhân tạo; Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị phòng thực hành đào tạo nghiệp vụ bếp. 

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Trường Cao đẳng Tiền Giang; Trường Đại học Tiền Giang. 

- Đối tượng vận động viện trợ PCPNN: sinh viên, giáo viên Trường Cao đẳng Tiền Giang, Trường Đại học Tiền Giang. 

2.2. Ưu tiên số 2: Cấp học bổng khuyến học cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. 

- Thực trạng: Hàng năm, có nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi cha mẹ, gia đình diện chính sách, hộ nghèo nhưng có thành tích tốt trong học tập, cần sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước để các em vượt qua khó khăn an tâm học tập. 

- Kiến nghị: Cấp học bổng khuyến học cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có thành tích tốt trong học tập. 

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Các trường đại học, cao đăng, các trường thuộc địa bàn vùng sâu vùng xa. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. 

3. Lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp: 

3.1. Ưu tiên số 1: Hỗ trợ nâng cao năng lực dự báo ô nhiễm môi trường 

- Thực trạng: Việc ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí có xu hướng gia tăng nên cần phải được cảnh báo kịp thời, liên tục và đảm bảo có độ chính xác cao phục vụ công tác quản lý và cuộc sống của người dân. Hiện nay, tại tỉnh Tiền Giang công tác bảo vệ môi trường rất được chú trọng nhưng do còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có trạm quan trắc tự động, liên tục về không khí. Do đó, nhu cầu xây dựng trạm quan trắc tự động không khí là cần thiết, có tính cấp bách. 

- Kiến nghị: Vận động nguồn kinh phí phi chính phủ để triển khai xây dựng 02 trạm quan trắc không khí tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh. 

3.2. Ưu tiên số 2: Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng vùng ngập lũ

 - Thực trạng: Huyện Cái Bè và Cai Lậy là một trong 5 huyện vùng lũ của tỉnh Tiền Giang với hơn 1.500 km bờ đê bao, bờ bao bảo vệ dân cư, bảo vệ sản xuất và vườn cây ăn trái. Do hệ thống đê bao, bờ bao đầu tư đã lâu nay đã bị xuống cấp trầm trọng. Trước tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, hàng năm vào mùa mưa, lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về kết hợp với triều cường gây ảnh hưởng đến diện tích hoa màu, lúa, vườn cây ăn trái và nhà ở của người dân. Ngoài ra hiện nay trên địa bàn huyện thường xuyên phải chịu những tác động bất lợi trực tiếp của các loại hình thiên tai như: sạt lở bờ sông, kênh, rạch, lốc xoáy, gây thiệt hại nặng nề đến đời sống người dân. Qua đánh giá chung cho thấy nhận thức của cộng đồng dân cư về phòng ngừa, ứng phó thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện chưa cao. Đa số cán bộ chính quyền và phần lớn người dân chưa hiểu rõ về hậu quả của thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, một số cộng đồng dân cư còn chủ quan trước diễn biến lũ lụt nên hàng năm số người chết do tai nạn đuối nước xảy ra thường xuyên, chưa ý thức trong việc gia cố các công trình kết cấu hạ tầng.

- Kiến nghị: 

+ Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho chính quyền địa phương và người dân, tăng cường hệ thống quản lý thiên tai thông qua việc lồng ghép phương pháp giảm nhẹ rủi ro vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp xã, nâng cao nhận thức cộng đồng và trang bị kỹ năng cho đội ứng phó nhanh. 

+ Xây dựng tài liệu truyền thông về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào công đồng và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) (Nước sạch, vệ sinh môi trường, chuẩn bị, ứng phó và lũ lụt, sạt lở). 

+ Hoạt động nâng cao nhận thức và truyền thông về quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng và thích ứng BĐKH ở cộng đồng. 

+ Tập huấn bơi lội cho học sinh và cộng đồng dân cư. 

+ Tập huấn các giải pháp thích ứng và bảo vệ trước các hiểm họa cho cán bộ chính quyền địa phương.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: người dân thuộc huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. 

3.3. Ưu tiên số 3: Nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng vùng ven biển

- Thực trạng: Huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông là các huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang và đây cũng là vùng nhiễm mặn của tỉnh. Trước tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, hàng năm: Vào mùa khô, mặn từ biển xâm nhập sâu vào nội đồng gây thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất và dân sinh trên địa bàn huyện vào mùa mưa trên địa bàn huyện nói chung và các xã ven biển nói riêng thường xuyên phải chịu những tác động bất lợi trực tiếp của các loại hình thiên tai như: Bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ biển, lốc xoáy, .. Qua đánh giá chung cho thấy nhận thức của cộng đồng dân cư về phòng ngừa, ứng phó thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện chưa cao. Đa số cán bộ chính quyền và phần lớn người dân chưa hiểu rõ về hậu quả của thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu gây ra. Bên cạnh đó, một số cộng đồng dân cư còn chủ quan, chưa ý thức trong việc chằng chống nhà cửa, gia cố các công trình kết cấu hạ tầng. 

- Kiến nghị: 

+ Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai cho chính quyền địa phương và người dân, tăng cường hệ thống quản lý thiên tai thông qua việc lồng ghép phương pháp giảm nhẹ rủi ro vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp xã, nâng cao nhận thức cộng đồng và trang bị kỹ năng cho đội ứng phó nhanh. 

+ Xây dựng tài liệu truyền thông về giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và Thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) (Nước sạch, vệ sinh môi trường, chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hạn hán và xâm nhập mặn). 

+ Hoạt động nâng cao nhận thức và truyền thông về quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng và thích ứng BĐKH ở cộng đồng. 

+ Tập huấn các giải pháp thích ứng và bảo vệ trước các hiểm họa (hạn, mặn...) cho cán bộ địa phương.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: người dân thuộc Huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông

4. Lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội:

4.1. Ưu tiên số 1: Hỗ trợ vốn chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình cho các hộ nghèo 

- Thực trạng: Huyện Tân Phước là địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng Đồng Tháp Mười “Rốn phèn, rốn lũ” bao gồm 3 tỉnh Tiền Giang - Long An - Đồng Tháp. Điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt: Đất đai canh tác, nguồn nước tưới tiêu, đều bị nhiễm phèn nặng, chỉ có một số ít loại cây có giá trị thích hợp cho việc trồng trọt (khoai mỡ, khóm). Đa số người dân sống trong vùng Đồng Tháp Mười đều là dân nghèo di cư từ mọi miền của đất nước, cuộc sống rất khó khăn, nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp và làm thuê. Vì vậy, nhu cầu có được nguồn vốn hỗ trợ phát triển chăn nuôi nhỏ giúp bà con có thêm thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống gia đình, lo cho tương lai con em cắp sách đến trường là một nhu cầu thực tế, hết sức chính đáng của bà con nghèo và cũng là việc làm mang nhiều ý nghĩa nhân văn đối với các nhà tài trợ. 

- Kiến nghị: 

+ Hỗ trợ vốn chăn nuôi gia súc, gia cầm giúp các hộ nghèo khắc phục khó khăn, tự lực vươn lên, phát triển kinh tế bền vững. 

+ Hỗ trợ vốn vay không lãi suất giúp các hộ nghèo phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, chu kỳ thực hiện 24 tháng và tiếp tục xoay vòng. 

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Huyện Tân Phước

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: hộ nghèo thuộc huyện Tân Phước. 

5. Lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh: 

5.1. Ưu tiên số 1: Xây dựng nhà ở cho nạn nhân chất độc da cam 

- Thực trạng: Hiện nay, trong toàn tỉnh Tiền Giang có 10.347 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam; trong đó có 321 gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên. Từ nhiều năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm huy động các nguồn lực từ xã hội để chăm lo và giúp đỡ nạn nhân da cam cả về tinh thần và vật chất như trao tặng quà vào các dịp lễ, Tết, hỗ trợ xe lăn, xe lắc, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, trợ cấp học bổng cho con nạn nhân ... Tuy nhiên, hiện nay nhà ở của nhiều nạn nhân chất độc da cam vẫn còn tạm bợ , xiêu vẹo , nhiều hộ có hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng tự lo chi phí để xây dựng nhà ở nên rất cần đến sự sẻ chia, giúp đỡ của các tổ chức, nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ chi phí xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn nhất về nhà ở trên địa bàn tỉnh để họ có chỗ ở vững chắc hơn, góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN : tỉnh Tiền Giang tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Các hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. 

5.2. Ưu tiên số 2: Hỗ trợ vốn sản xuất cho nạn nhân chất độc da cam cho nhân chất độc da cam 

- Thực trạng: Hiện nay, trong toàn tỉnh Tiền Giang có 10.347 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam; trong đó có 321 gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên. Từ nhiều năm qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm huy động các nguồn lực từ xã hội để chăm lo và giúp đỡ nạn nhân da cam cả về tinh thần và vật chất như trao tặng quà vào các dịp lễ, Tết, hỗ trợ xe lăn, xe lắc, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, trợ cấp học bổng cho con nạn nhân. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam vẫn còn khó khăn, không thể tự lực vươn lên trong cuộc sống mà cần sự sẻ chia , giúp đỡ của các tổ chức, nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ vốn sản xuất cho các hộ nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có điều kiện để sản xuất, kinh doanh, tự lực vươn lên đảm bảo cuộc sống, hoà nhập với cộng đồng xã hội. 

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: tỉnh Tiền Giang

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: Các hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. 

6. Cơ quan đầu mối về công tác PCPNN ở địa phương: 

6.1. Cơ quan đầu mối về vận động viện trợ PCPNN 

- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Tiền Giang 

- Địa chỉ: Số 2, Trương Định, Phường 1, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang 

- Điện thoại: 0273.3872414 

- Email: tufomailbox@gmail.com 

6.2. Cơ quan đầu mối về hoạt động của các tổ chức PCPNN 

- Sở Ngoại vụ Tiền Giang 

- Địa chỉ: Số 63, Đường 30/4, Phường 1, thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang 

- Điện thoại: 0273.3978588 

- Email: songoaivu@tiengiang.gov.vn

Yên Bái
25/05/2023 1.577 lượt xem
Vĩnh Phúc
25/05/2023 0 lượt xem
Tuyên Quang
25/05/2023 1.668 lượt xem
Trà Vinh
25/05/2023 1.744 lượt xem
Thừa Thiên Huế
25/05/2023 1.678 lượt xem
Thanh Hóa
25/05/2023 1.602 lượt xem
Thái Nguyên
25/05/2023 1.495 lượt xem
Thái Bình
25/05/2023 1.592 lượt xem
Sóc Trăng
25/05/2023 1.650 lượt xem
Quảng Trị
25/05/2023 1.611 lượt xem
Quảng Ngãi
25/05/2023 1.464 lượt xem
Quảng Nam
25/05/2023 1.583 lượt xem