“Trong quá trình hoạt động, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) khi có vướng mắc, khó khăn có thể trao đổi trực tiếp với đơn vị đầu mối là Ban Điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), Lãnh đạo Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (COMINGO). Chúng tôi cam kết lắng nghe, chân thành tiếp thu ý kiến phản ánh của các tổ chức và tích cực giải quyết các vấn đề cần thiết”. Đó là khẳng định của ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm COMINGO tại Hội nghị chia sẻ thông tin với các tổ chức PCPNN năm 2022 diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện khoảng 200 tổ chức PCPNN đang hoạt động tại Việt Nam và các cơ quan tham gia cơ chế COMINGO. Đây là hoạt động thường niên của COMINGO nhằm chia sẻ thông tin về các vấn đề liên quan tới hoạt động của các tổ chức PCPNN, của các cơ quan, địa phương trong công tác này. Đây cũng là diễn đàn để trao đổi, giải đáp các vấn đề mà các tổ chức PCPNN quan tâm.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện khoảng 200 tổ chức PCPNN đang hoạt động tại Việt Nam (Ảnh: Thu Hà)
Thông tin về công tác PCPNN 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Ban PACCOM cho biết: Năm 2022 tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam có nhiều diễn biến không thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam. Tuy nhiên với nỗ lực của COMINGO, sự hỗ trợ của các cơ quan tham gia cơ chế COMINGO, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt sự ủng hộ của các tổ chức PCPNN, công tác PCPNN tiếp tục duy trì và đạt được nhiều kết quả tích cực. 436 tổ chức PCPNN đã viện trợ cho Việt Nam 108,5 triệu đô la Mỹ (tương đương cùng kỳ năm 2021) trên các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu. Hoạt động của các tổ chức PCPNN tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, góp phần giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Như Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao đã thông tin đến các tổ chức PCPNN những nội dung cơ bản của Nghị định số 58/2022/NĐ-CP ngày 31/8/2022 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN tại Việt Nam.
Đại diện các tổ chức PCPNN đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến cơ sở dữ liệu về các tổ chức PCPNN, con dấu dự án, miễn trừ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa viện trợ... Các tổ chức PCPNN đánh giá cao vai trò của COMINGO, đặc biệt của Cơ quan Thường trực Ủy ban là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức trong thời gian qua.
Đại diện các tổ chức PCPNN mong muốn với Nghị định mới được ban hành, các cơ quan Việt Nam sẽ có những hướng dẫn và các biện pháp cụ thể rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan như tinh thần đề ra khi xây dựng Nghị định 58/2022/NĐ-CP. Các tổ chức cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đối tác Việt Nam để tiếp tục tìm nguồn tài trợ cho Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Anh Sơn đã phân tích, đánh giá những đặc điểm nổi bật của tình hình thế giới, khu vực và Việt Nam tác động đến công tác PCPNN. Phó Chủ nhiệm COMINGO Phan Anh Sơn cũng nêu rõ các định hướng trọng tâm trong công tác PCPNN đến hết năm 2022 và trong thời gian tới mà COMINGO, các cơ quan trong cơ chế COMINGO và các tổ chức PCPNN cùng nhau thực hiện.
Ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm COMINGO (Ảnh: Thu Hà).
“Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu, để hướng đến mục tiêu một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng nội lực có vai trò quyết định nhưng ngoại lực cũng hết sức quan trọng và góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam nhanh hơn, chắc hơn, bền vững hơn và tốt hơn. Ngoại lực này đến từ sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế trong đó có các tổ chức PCPNN…
Chính vì thế chúng tôi nhận thức rằng, COMINGO và các cơ quan liên quan phải tiếp tục đổi mới cách làm, cách tiếp cận, cách nhận thức. Các bạn hãy trao đổi những điều chúng tôi còn hạn chế, chưa làm được. Chúng tôi cam kết lắng nghe, chân thành tiếp thu các ý kiến góp ý và tích cực giải quyết các vấn đề cần thiết bởi chúng tôi và các bạn đều có mục tiêu chung là mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”, ông Phan Anh Sơn nói.
Sau Hội nghị ngày 14/10/2022 tại Hà Nội, COMINGO sẽ tổ chức Hội nghị tương tự tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 21/10/2022 cho các tổ chức PCPNN ở khu vực phía Nam.
Theo ông Nguyễn Như Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao: Nghị định số 58/2022/NĐ-CP đã khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong công tác đăng ký và quản lý các tổ chức PCPNN thông qua việc cụ thể hóa 3 chính sách được Chính phủ thông qua tại Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 12/2012/NĐ-CP ngày 1/3/2012 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức PCPNN.
Thứ nhất là giản lược thủ tục hành chính trong đăng ký hoạt động của các tổ chức PCPNN. Theo đó, bỏ quy định về “thỏa thuận khung”, bỏ quy trình hai bước trong đăng ký và triển khai hoạt động; đơn giản hóa và rút ngắn thời hạn xử lý thủ tục, phân rõ nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quy trình, thủ tục đăng ký hoạt động của các tổ chức PCPNN và minh bạch hóa các bước thẩm định, xét duyệt hồ sơ; ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ hai là tăng cường hậu kiểm: Bổ sung quy định về nội dung thẩm định hồ sơ; bổ sung quy định yêu cầu các tổ chức PCPNN mở và sử dụng tài khoản; bổ sung chức năng thanh, kiểm tra cho Bộ Ngoại giao.
Thứ ba là tạo động lực cho các tổ chức PCPNN hoạt động tích cực, hiệu quả theo quy định của pháp luật. Các tổ chức được linh hoạt lựa chọn hình thức đăng ký hoạt động; được hưởng quyền và lợi ích hợp pháp, được khen thưởng phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
|
Trích nguồn: Tạp chí Thời đại