Quảng Bình
25/05/2023 1.378 lượt xem

THÔNG TIN VỀ TỈNH QUẢNG BÌNH

 

  1. THÔNG TIN CHUNG

1. Diện tích tự nhiên: 8.000 km2.

2. Dân số: 887.595 người (năm 2018).

3. Dân tộc: Phần lớn cư dân địa phương là người Kinh. Dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru-Vân Kiều gồm những tộc người chính là: Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem,... sống tập trung ở hai huyện miền núi Tuyên Hoá và Minh Hoá và một số xã miền Tây Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ với khoảng 5.607 hộ, 24.499 nhân khẩu, chiếm khoảng 2,3% dân số của tỉnh.

4. Đơn vị hành chính: Quảng Bình có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 1 thị xã, 6 huyện với 151 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 7 thị trấn, 15 phường và 128 xã.

5. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 19,71%; công nghiệp - xây dựng: 28,28%; dịch vụ: 52,01% (năm 2019).

6. Cơ cấu dân cư: Dân cư phân bố không đều, 80,19% sống ở vùng nông thôn và 19,81% sống ở thành thị.

7. Cơ cấu lao động: Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 64,3%; trong đó lao động qua đào tạo nghề là 47, 5% (năm 2019).

8. Tỷ lệ hộ nghèo: 

- Tỷ lệ hộ nghèo là 4,98%; tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,45% (năm 2019)

- Quảng Bình có huyện Minh Hóa là huyện nghèo theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.

9. Mức thu nhập bình quân đầu người: 42,6 triệu đồng (năm 2019)

  1. ƯU TIÊN VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ GIAI ĐOẠN 2020 - 2022

1. Lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh

1.1. Thông tin chung về lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh của tỉnh:

Trong chiến tranh, tỉnh Quảng Bình là một trong những địa bàn bị đánh phá ác liệt nhất khu vực miền Trung, vì vậy, Quảng Bình nằm trong số những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của sự ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam. Sau chiến tranh, Quảng Bình có 100% xã, phường, thị trấn bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích 224.934,5 ha, chiếm 30% diện tích đất trên toàn tỉnh.

Toàn tỉnh có 30.960 người khuyết tật, trong đó có 4.588 nạn nhân bom mìn, 18.000 người nhiễm chất độc da cam. Đáng chú ý, có đến 90% người khuyết tật và nạn nhân bom mìn sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Từ thực trạng này, chính quyền các cấp của tỉnh đã tập trung nỗ lực tiến hành các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh trên địa bàn. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, mật độ ô nhiễm lớn, kinh phí hạn hẹp, công tác khắc phục hậu quả chiến tranh chưa đáp ứng với nhu cầu an sinh và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1.2. Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh

Ưu tiên số 1: Xử lý vật liệu chưa nổ (VLCN) còn sót lại sau chiến tranh

Do địa bàn rộng, mật độ ô nhiễm lớn, kinh phí hạn hẹp, diện tích đã được rà phá bom mìn chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, công tác xử lý bom mìn, VLCN còn sót lại sau chiến tranh là một ưu tiên hàng đầu.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung xử VLCN còn sót lại sau chiến tranh: các huyện: Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy là những địa bàn có diện tích ô nhiễm lớn

- Đối tượng ưu tiên: người dân tại các vùng ô nhiễm bom mìn, VLCN

Ưu tiên số 2: Hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu

Hiện tại, tỉnh chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, gây khó khăn cho công tác thu thập thông tin, điều phối các hoạt động liên quan cũng như vận động viện trợ vào lĩnh vực này. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh là một ưu tiên.

Ưu tiên số 3: Hỗ trợ nạn nhân bom mìn và vật liệu nổ

Hàng năm, tỉnh phải chi hàng trăm tỷ đồng cho cứu chữa, trợ giúp, phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tái định cư cho nạn nhân bom mìn, tuy nhiên, vẫn còn hơn 8.000 người khuyết tật có nhu cầu được hỗ trợ.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung hỗ trợ nạn nhân bom mìn và VLCN: các huyện: Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy là những địa bàn có số lượng người khuyết tật/nạn nhân bom mìn lớn

- Đối tượng ưu tiên: người khuyết tật/nạn nhân bom mìn tại các khu vực bị ảnh hưởng.

2. Lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội

2.1. Thông tin chung về lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội

Với tỷ lệ hộ nghèo 4,98% (năm 2019), Quảng Bình vẫn là một tỉnh nghèo (xếp thứ 22 về tỷ lệ hộ nghèo) của cả nước, trong đó, trẻ em, phụ nữ và người khuyết tật là những đối tượng dễ bị tổn thương. Thời gian qua, các cấp chính quyền của tỉnh đã tích cực triển khai các biện pháp, chính sách giáo dục, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ người khuyết tật, phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số,... Tuy nhiên, số lượng trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn và cần được hỗ trợ còn nhiều, đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn lực để giải quyết các vấn đề nêu trên.

2.2. Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội

Ưu tiên số 1: Giáo dục, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Thời gian qua, các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể của tỉnh đã tích cực phối hợp thực hiện tốt các giải pháp để tăng cường bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích, bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật; trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, đuối nước vẫn còn xảy ra. Năm 2019, toàn tỉnh có 52 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó 41 trẻ em bị tử vong do đuối nước; 08 vụ xâm hại liên quan đến trẻ em gái; 39 trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, số lượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn còn nhiều,... Vì vậy, công tác giáo dục, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em cần được chú trọng thực hiện.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung giáo dục, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn: các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy.

- Đối tượng ưu tiên: Trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy.

Ưu tiên số 2: Hỗ trợ người khuyết tật

Theo thống kê, toàn tỉnh có 30.960 người khuyết tật, trong đó, có đến 90% người khuyết tật sống ở nông thôn với điều kiện kinh tế khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp, chăm lo cuộc sống người khuyết tật nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp của họ. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 8.000 người khuyết tật chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách trợ giúp của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm, tín dụng… Vì vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người khuyết tật trên địa bàn tỉnh vẫn cần nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức PCPNN.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung hỗ trợ người khuyết tật: các huyện: Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch.

- Đối tượng ưu tiên: người khuyết tật tại các huyện: Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch.

3. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo

3.1. Thông tin chung về lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Toàn tỉnh có 850 trường và cơ sở giáo dục, bao gồm: 229 trường và cơ sở giáo dục mầm non; 199 trường tiểu học; 25 trường Tiểu học và THCS; 141 trường THCS; 06 trường THCS và THPT; 27 trường THPT. Ngoài ra, tỉnh còn có 01 trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; 08 trung tâm Giáo dục - Dạy nghề cấp huyện; 01 trường Đại học và 02 trường TCCN (01 trường thuộc Bộ Tư pháp); 02 trường trung cấp nghề (01 trường ngoài công lập) và 02 trường cao đẳng nghề. Trong những năm gần đây, mặc dù đã có sự quan tâm của các cấp, các ngành, tuy nhiên, do điều kiện nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế, thường xuyên bị thiên tai, việc đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đồng bộ. Học sinh phải học 2 ca nên ảnh hưởng đến kết quả học tập và rèn luyện.

 

3.2. Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Ưu tiên số 1: Xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục

Hiện tại, một số khu vực ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, cơ sở vật chất ngành giáo dục, đào tạo còn nhiều khó khăn, vẫn còn phòng học tạm, phòng học mượn, phòng học nhờ ở cấp học mầm non và tiểu học ở một số địa phương. Ngoài ra, hệ thống thư viện, sân chơi cho trẻ em còn hạn chế, nghèo nàn, chưa đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, đọc sách của các em.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục: tại các huyện có xã biên giới, số lượng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số cao như: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch.

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục: Học sinh mầm non, tiểu học vùng biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số.

Ưu tiên số 2: Hỗ trợ công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên các bậc học

Hiện nay, toàn ngành có 18.684 cán bộ, giáo viên, nhân viên (trong đó: CBQL: 1.453, giáo viên: 14.123, nhân viên: 3.108) với 226.288 học sinh mầm non và phổ thông (Mầm non: 61.435, Tiểu học: 78.985; THCS: 54.284; THPT: 31.584). Tình trạng thiếu giáo viên ở cấp học mầm non còn cao. Chất lượng giáo dục cấp THPT còn hạn chế, đặc biệt là giáo viên về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, dạy nghề,… chưa đáp ứng việc đổi mới phương pháp dạy học. Công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh trong giáo dục phổ thông còn đạt thấp và gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc bồi dưỡng, đào tạo giáo viên là cần thiết.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Hỗ trợ công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên các bậc học: các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Hỗ trợ công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên các bậc học: giáo viên tiểu học, mầm non tại địa bàn biên giới, nông thôn, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số; giáo viên dạy trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

4. Lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp

4.1. Thông tin chung về lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp

Quảng Bình nằm trong khu vực đa dạng sinh học Bắc Trường Sơn - nơi có hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho đa dạng sinh học ở Quảng Bình là vùng Karst Phong Nha - Kẻ Bàng.

Với diện tích rừng 486.688 ha, trong đó rừng tự nhiên 447.837 ha, rừng trồng 38.851 ha, trong đó có 17.397 ha rừng thông, diện tích không có rừng 146.386 ha, Quảng Bình đang tập trung đẩy mạnh phát triển rừng trồng gỗ lớn, sử dụng hợp lý, có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch phát triển rừng sản xuất. Bên cạnh đó, phát triển gỗ lớn theo hướng bền vững góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm gỗ rừng trồng, thu hút ngoại tệ thông qua sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng. Tỉnh đang đôn đốc, chỉ đạo, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và thế giới, phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 7.000 ha diện tích gỗ lớn được cấp chứng chỉ rừng. Bên cạnh đó, Quảng Bình là tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng bởi khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ, trong đó có các đợt lũ kép lịch sử tháng 10 và 11 năm  2016 và cơn bão bão số 10 năm 2017 - cơn bão được xem là mạnh nhất trong vòng 10 năm qua trên địa bàn tỉnh. Trước những bất thường của thiên tai, cuộc sống người dân nơi đây vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội… của địa phương.

4.2. Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp

Ưu tiên số 1: Bảo tồn thiên nhiên

Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Hang Sơn Đoòng và rừng Động Châu - Khe Nước Trong với nhiều đa dạng sinh học đặc biệt. Nhiều loài động vật được phát hiện khu vực rừng Động Châu - Khe Nước Trong đang nằm trong diện nguy cấp cần bảo vệ cao trên toàn cầu như sao la, tê tê java, mang lớn được. Cá biệt hơn có 3 loài động vật quý hiếm là mang Trường Sơn, cầy gấm, triết bụng vàng lần đầu được ghi tại khu vực khảo sát. Trong đó, loài mang lớn được ghi nhận lần thứ 2 ở Việt Nam nhờ bẫy ảnh. Do đó, việc bảo tồn nguyên trạng và toàn diện giá trị di sản thiên nhiên ở các khu vực này được ưu tiên hàng đầu, bao gồm cả các giá trị độc đáo về tự nhiên, văn hóa và lịch sử. Đồng thời, thúc đẩy khám phá các giá trị thiên nhiên đặc sắc tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để nâng cao giá trị về vị thế quốc tế, nghiên cứu khoa học, gìn giữ môi trường và bảo vệ các đặc điểm tự nhiên, văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người. Hình thành các trung tâm khoa học, cơ sở cứu hộ động thực vật, trung tâm truyền thông gắn với các điểm đô thị hoặc trung tâm xã, cung cấp thông tin và kinh nghiệm phục vụ bảo tồn và phát hiện các biến động ve địa chất, đa dạng sinh học.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung bảo tồn thiên nhiên: các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy.

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung bảo tồn thiên nhiên: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và rừng Động Châu - Khe Nước Trong.

Ưu tiên số 2: Quản lý và phát triển rừng bền vững

Với mục tiêu xây dựng và phát triển rừng bền vững nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và đem lại lợi ích về môi sinh, môi trường, hạn chế thiên tai, tỉnh đang xúc tiến, kêu gọi các tổ chức quốc tế, các chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư việc xây dựng các mô hình liên doanh, liên kết; xây dựng phương án quản lý rừng trồng bền vững và cấp chứng chỉ rừng trồng. Đồng thời, xây dựng hệ thống đường ranh cản lửa kết hợp vận chuyển cây giống, phân bón và thi công trồng rừng: 105 km; vườn ươm công nghệ cao (nuôi cấy mô) 01 vườn. Việc xây dựng các hạng mục hạ tầng lâm sinh được lồng ghép trong các chương trình, dự án: Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; Nông thôn mới; các dự án lâm nghiệp; các dự án giao thông nông thôn...

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung quản lý và phát triển rừng bền vững: huyện Bố Trạch, huyện Lệ Thủy

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung quản lý và phát triển rừng bền vững: người dân khu vực hưởng lợi

Ưu tiên số 3: Phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

Là địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Do đó, tỉnh kêu gọi các dự án hỗ trợ phương tiện phòng chống lụt bão, kinh phí nạo vét hệ thống luồng lạch tại các cửa sông, kinh phí nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ chứa nước đã xuống cấp, hư hỏng, đầu tư xây dựng các tuyến đường tránh, cầu vượt lũ tại các địa phương thường xuyên bị nước lũ chia cắt…

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu: các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Lệ Thủy

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu: người dân khu vực hưởng lợi

5. Cơ quan đầu mối về công tác PCPNN ở địa phương:

Sở Ngoại vụ Quảng Bình

- Địa chỉ: Đường 23/8, phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình

- Điện thoại: (0232) 3840742

- Email: sngv@quangbinh.gov.vn

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình kính báo cáo

Yên Bái
25/05/2023 1.686 lượt xem
Vĩnh Phúc
25/05/2023 0 lượt xem
Tuyên Quang
25/05/2023 1.756 lượt xem
Trà Vinh
25/05/2023 1.873 lượt xem
Tiền Giang
25/05/2023 1.664 lượt xem
Thừa Thiên Huế
25/05/2023 1.766 lượt xem
Thanh Hóa
25/05/2023 1.676 lượt xem
Thái Nguyên
25/05/2023 1.523 lượt xem
Thái Bình
25/05/2023 1.686 lượt xem
Sóc Trăng
25/05/2023 1.731 lượt xem
Quảng Trị
25/05/2023 1.700 lượt xem
Quảng Ngãi
25/05/2023 1.490 lượt xem