Lạng Sơn
25/05/2023 1.336 lượt xem

THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ TỈNH LẠNG SƠN

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Diện tích: 8.310,09 km2.

2. Dân số: 782,1 nghìn người.

3. Dân tộc: có hơn 30 dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó có 07 dân tộc chủ yếu, gồm: Nùng chiếm 43,19%, Tày chiếm 34,58%, Kinh chiếm 17,41%, Dao chiếm 3,91%, Hoa chiếm 0,33%, Sán Chay chiếm 0,40%, Mông chiếm 0,1%, các dân tộc khác chiếm 0,08%.

4. Đơn vị hành chính: 10 huyện và 01 thành phố trực thuộc tỉnh với 200 xã, phường, thị trấn.

5. Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp chiếm 21,17%, công nghiệp - xây dựng 23,33%, dịch vụ 51,08%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,42%.

6. Cơ cấu dân cư: Dân số thành thị chiếm 20,3%, dân số nông thôn chiếm 79,7%.

7. Cơ cấu lao động: Toàn tỉnh có 512,9 nghìn người trong độ tuổi lao động (chiếm 65,9% tổng dân số), trong đó lao động nữ chiếm 47,3 %; chủ yếu là lao động khu vực nông thôn chiếm 81,5 %. Tổng số lao động có việc làm là 509,8 nghìn người (chiếm 99,4% so với tổng số lực lượng lao động), trong đó số lao động làm việc ở khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 75,5%, ở khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 5,9% và khu vực dịch vụ chiếm 18,6%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 đạt 52,5%. 

8. Tỷ lệ hộ nghèo: tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm 10,89%, tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 10,27%.

9. Mức thu nhập bình quân đầu người (năm 2019): 43,4 triệu đồng/người/năm. 

II. ƯU TIÊN VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ GIAI ĐOẠN 2020-2022

1. Giáo dục và đào tạo: 

1.1. Thông tin chung: 

* Thực trạng về quy mô giáo dục:

- Toàn tỉnh hiện có 692 đơn vị, trường học, cụ thể: 234 trường mầm non, 193 trường tiểu học, 69 trường tiểu học và trung học cơ sở, 154 trường THCS, 27 trường trung học phổ thông, 03 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT, 02 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 09 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và Trường Cao đẳng Sư phạm. 

- Số lượng học sinh, sinh viên là 199.216, trong đó cấp mầm non 56.068, tiểu học 71.743, trung học cơ sở 44.510, trung học phổ thông 22.876, giáo dục thường xuyên 2.930 và trường chuyên nghiệp 1.089. 

- Số trường học đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh: 220 trường. 

* Thực trạng điều kiện cơ sở vật chất trong toàn ngành:

- Tổng số: 7.776 phòng, trong đó: 5.506 phòng kiên cố (chiếm 70%), 2.026 phòng bán kiên cố (chiếm 26%), 244 phòng tạm (chiếm 4%). Số phòng học cơ bản đáp ứng đủ 01 lớp/phòng học để học 02 buổi/ngày. Tuy nhiên có sự thừa, thiếu khác nhau giữa cấp học, giữa các trường, điểm trường và giữa các địa phương, một số trường, điểm trường phải học nhờ lớp của trường mầm non và phổ thông khác trên địa bàn, một số ít học nhờ nhà văn hóa thôn. 

- Số phòng học bộ môn (Phòng chức năng) toàn tỉnh có 963 phòng, trong đó: 785 phòng kiên cố (chiếm 81%), 161 phòng bán kiên cố (chiếm 16%), 17 phòng tạm (chiếm 3%). 

- Số phòng học phục vụ học tập có 983 phòng, trong đó: 652 phòng kiên cố (chiếm 66%), 268 phòng bán kiên cố (chiếm 29%), còn 63 phòng tạm. 

- Tổng số phòng hành chính quản trị: 3.673 phòng, trong đó: 2.532 phòng kiên cố (chiếm 69%), 905 phòng bán kiên cố (chiếm 24,6%), 236 phòng tạm (chiếm 6,4%). 

- Nhà bếp: có tổng số 776, trong đó kiên cố 204, bán kiên cố 342 và 230 bếp tạm 

- Nhà ăn: có 100 nhà ăn trong đó kiên cố 16, bán kiên cố 68 và 16 nhà tạm. 

- Nhà đa năng: 70. 

- Nhà vệ sinh học sinh: 3.040 nhà vệ sinh học sinh, trong đó: 1.996 nhà kiên cố, 879 nhà bán kiên cố và 165 nhà tạm. 

- Nhà vệ sinh giáo viên, nhân viên: 1.058, trong đó 721 nhà kiên cố, 280 nhà bán kiên cố và 57 nhà tạm. 

* Số liệu cụ thể về thực trạng cơ sở vật chất của 03 huyện Bình Gia, Đình Lập, Văn Quan) như sau: 

- Huyện Bình Gia: tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia là 14/61 trường; số phòng học xuống cấp cần nhu cầu đầu tư xây mới: Bậc mầm non (38/188 phòng học), Bậc tiểu học (160/352 phòng học), Bậc THCS (46/123 phòng học), Bậc THPT (không); số trường còn thiếu phòng học: Bậc mầm non (03/21 trường), Bậc tiểu học (Không), Bậc THCS (Không); Bậc THPT (không). 

- Huyện Văn Quan: Tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia là 15/59 trường số phòng học xuống cấp cần nhu cầu đầu tư xây mới: Bậc mầm non (18/159 phòng học), Bậc tiểu học (73/243 phòng học), Bậc THCS (121/126 phòng học), Bậc THPT (không); số trường còn thiếu phòng học: Bậc mầm non (09/26 trường), Bậc tiểu học (03/27 trường), Bậc THCS (04/22 trường), Bậc THPT (không). 

- Huyện Đình Lập: Tổng số trường đạt chuẩn Quốc gia là 11/42 trường số phòng học xuống cấp cần nhu cầu đầu tư xây mới: Bậc mầm non (43/156 phòng học), Bậc tiểu học (113/218 phòng học), Bậc THCS (62/62 phòng học), Bậc THPT (04/12 trường); số trường còn thiếu phòng học: Bậc mầm non (05/14 trường), Bậc tiểu học (11/17 trường), Bậc THCS (Không), Bậc THPT (01/01 trường) 

1.2. Nội dung, địa bàn và đối tượng ưu tiên:

 - Nội dung ưu tiên: Xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục. 

- Địa bàn ưu tiên: Các huyện: Văn Quan, Bình Gia và Đình Lập (Điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn ba huyện này còn rất thiếu thốn, nằm tại địa bàn huyện nghèo đang cần được đầu tư theo các Chương trình của Nghị Quyết 30a của Chính phủ). 

- Đối tượng ưu tiên: Học sinh mầm non, Tiểu học, THCS, THPT vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

2. Y tế: 

2.1. Thông tin chung về lĩnh vực:

* Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực: hiện tại tỉnh Lạng Sơn có 728 bác sĩ đạt tỷ lệ 11,1 bác sĩ/01 vạn dân (trong đó bác sĩ có trình độ: tiến sĩ 01, chuyên khoa cấp II là 45, thạc sĩ là 24, chuyên khoa cấp I là 180, bác sĩ 478). Mặc dù vậy đối với y tế cơ sở vẫn thiếu nhiều bác sĩ có trình độ chuyên khoa ở một số lĩnh vực cần được đào tạo. 

* Thực trạng hạ tầng cơ sở y tế: Đối với Y tế cơ sở hiện nay có 74 nhà trạm y tế xã, phường, thị trấn (chiếm gần 40%) được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước đã xuống cấp. Số nhà trạm này cần được đầu tư xây mới. 

* Thực trạng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế: các kế hoạch và triển khai hoạt động, dự án thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số được triển khai theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên tại cơ sở còn có một số khó khăn trong các hoạt động: phòng, chống ung thư, tim mạch, đái tháo đường. Việc quản lý và điều trị bệnh nhân tại cộng đồng chưa đáp ứng yêu cầu theo mục tiêu của Bộ Y tế là: 50% số người bị tăng huyết áp được phát hiện sớm, 40% số người bệnh đái tháo đường được phát hiện, 80% cán bộ y tế hoạt động trong dự án được đào tạo nâng cao nghiệp vụ về phòng chống ung thư. 

* Thực trạng chương trình phòng chống suy dinh dưỡng: qua điều tra tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện tại 25,4%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện tại 17,0%, duy trì tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dưới 2.500 gram hiện tại 4,3%. Để thực hiện đạt tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 24%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%, duy trì tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dưới 2.500 gram dưới 5% (hiện tại 4,3%). 

* Thực trạng y tế dự phòng: Nhiệm vụ của lĩnh vực y tế dự phòng luôn luôn cần đáp ứng về yêu cầu về cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh và phòng , chống dịch bệnh đối với tất cả các bệnh không lây nhiễm và bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên còn thiếu các nguồn lực như: năng lực của đội ngũ cán bộ thông qua đào tạo chuyên khoa; triển khai hệ thống giám sát, cảnh báo sớm, đáp ứng nhanh phòng chống bệnh dịch; xây dựng Khoa xét nghiệm thành Labo trung tâm có cơ sở vật chất và năng lực xét nghiệm ưu tiên phát triển các kỹ thuật công nghệ cao phục vụ xét nghiệm chẩn đoán nhanh các bệnh dịch nguy hiểm, xét nghiệm chất lượng nước và an toàn vệ sinh thực phẩm. 

1.2. Nội dung, địa bàn và đối tượng ưu tiên:

* Ưu tiên 1: Đào tạo cán bộ y tế 

- Tập trung đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế nhất là đội ngũ bác sĩ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

- Địa bàn ưu tiên: Thành phố Lạng Sơn và các huyện trên địa bàn tỉnh. 

- Đối tượng ưu tiên: Đặc biệt là đề nghị hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đối với các Bác sĩ chuyên ngành về Can Thiệp tim mạch; Lao, Ung thư, Hồi sức cấp cứu; Nhi, Pháp y; Tâm thần ... 

* Ưu tiên 2: Phát triển hạ tầng cơ sở y tế 

- Đề nghị được viện trợ xây mới 74 nhà trạm y tế xã, phường, thị trấn để đủ thực hiện đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. 

- Địa bàn ưu tiên: Thành phố Lạng Sơn và các huyện trên địa bàn tỉnh. 

- Đối tượng ưu tiên: Các xã, phường, thị trấn có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 

* Ưu tiên 3: Hỗ trợ việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế 

- Khó khăn và hạn chế để thực hiện được chỉ tiêu do thiếu thiết bị, vật tư và cán bộ phụ trách hoạt động, chương trình đa số chưa được đào tạo chuyên sâu. 

- Địa bàn ưu tiên: Các huyện nghèo (Bình Gia, Đình Lập, Văn Quan) và các huyện có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 

- Đối tượng ưu tiên: Hỗ trợ nguồn lực để có đủ vật tư, đào tạo cán bộ để sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý người bệnh tăng huyết áp, ung thư tại cộng đồng (tuyến xã). 

* Ưu tiên 4: Hỗ trợ các chương trình phòng chống suy dinh dưỡng

- Địa bàn và đối tượng ưu tiên: xác định nhóm đối tượng ưu tiên và khu vực cần được can thiệp dựa theo theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn trong tỉnh đối với 03 huyện nghèo là Bình Gia, Đình Lập và Văn Quan. 

* Ưu tiên 5: Hỗ trợ xây dựng và nâng cao năng lực cho Trung tâm kiểm soát dịch tật 

Đề xuất ưu tiên cho Phòng xét nghiệm của đơn vị: Hệ thống Real- Time PCR xét nghiệm vi rút. 

3. Nông nghiệp và phát triển nông thôn:

3.1. Thông tin chung về lĩnh vực:

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, có diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 80 % diện tích tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, thích hợp và có lợi thế phát triển nhiều loại cây trồng ôn đới, á nhiệt đới và nhiệt đới do đó Lạng Sơn có nhiều loại hoa quả đặc sản, đặc hữu mà các địa phương khác không có như: hồi, thông, na, rau cải ngồng các loại, thạch đen ... Nông thôn Lạng Sơn trong những năm gần đây đã có nhiều đổi thay về diện mạo thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình viện trợ phi chính phủ khác. Tuy nhiên bên cạnh những tiến bộ đã đạt được, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn Lạng Sơn còn nhiều hạn chế đó là: qui mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung qui mô lớn, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất chưa nhiều; phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới mới bước đầu có một số kết quả nhất định nhưng chưa đạt được như muốn. 

* Thực trạng ngành, nghề sản xuất và dịch vụ nhỏ: Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 124.091 hộ làm nông nghiệp, trong đó: 96,9% hộ sản xuất nông nghiệp, 3,1% hộ sản xuất lâm nghiệp và 0,03% hộ nuôi trồng thủy sản. Hằng năm sản xuất được 6,5 - 6,8 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất, chiếm 90 - 95% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp. Kinh tế hộ gia đình chiếm vai trò chủ đạo trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lạng Sơn; góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cũng là lực lượng quan trọng trong phát triển các vùng sản xuất hàng hóa: hồi, thạch đen, rau, thuốc lá, na, quýt, hồng, thông ... đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, đa số hộ sản xuất với quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít, sản xuất theo kinh nghiệm là chính chưa có nhiều ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập không cao so với mặt bằng chung trên toàn quốc. 

* Thực trạng hệ thống công trình nước sinh hoạt nông thôn: hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ngành trung ương và địa phương quan tâm đầu tư xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sau gần 20 năm vận hành, khai thác và xây dựng mới, đến nay hệ thống công trình thủy lợi trên toàn tỉnh đã có tổng số 2.607 công trình. Các công trình thủy lợi phục vụ tưới được trên 50.000 ha (đáp ứng được 65% diện tích). Hệ thống công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội và phòng chống thiên tai. Các công trình hiện nay cơ bản vẫn đang hoạt động tốt, đảm bảo cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên còn một số công trình do bị hư hỏng, không còn diện tích tưới hoặc tạo nguồn nước cho công trình khác, các công trình còn lại hầu hết đã xây dựng từ rất lâu, năng lực tưới đã giảm sút và luôn ẩn nguy cơ mất trong mùa mưa, lũ. Các công trình cấp nước sinh hoạt, đối với người dân nông thôn trong các giai đoạn trước ít được quan tâm do khó khăn về nguồn vốn nên tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch chỉ đạt 50 %. 

* Thực trạng việc sản xuất khoai huyện Lộc Bình: Khoai lang Lộc Bình được trồng trên những cánh đồng màu mỡ được bồi đắp bởi đất phù sa của dòng sông Kỳ Cùng, những cánh đồng này nằm ngay chân dãy Mẫu Sơn. Điều đặc biệt về thổ nhưỡng, khí hậu đó làm cho khoai lang Lộc Bình có được vẻ ngoài tròn đều, đẹp mắt và có vị thơm ngon đặc biệt. Do đó từ lâu khoai lang Lộc Bình đã nổi tiếng là món khoai ngon nhất xứ Lạng. Vụ mùa năm 2019, toàn huyện Lộc Bình có gần 500 ha khoai lang. Tuy nhiên bên cạnh đó việc sản xuất áp dụng kỹ thuật tiên tiến và chế biến sâu chưa được quan tâm đầu tư. 

3.2. Nội dung, địa bàn và đối tượng ưu tiên:

* Ưu tiên 1: Phát triển ngành, nghề sản xuất và dịch vụ nhỏ, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, thông qua tăng cường thu nhập phi nông nghiệp 

- Kêu gọi các dự án viện trợ “Xây dựng mô hình phát triển nông thôn tổng hợp, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế thông qua tăng cường thu nhập phi nông nghiệp”. Địa bàn ưu tiên: ưu tiên triển khai các dự án tại các xã khó khăn thuộc huyện Đình Lập, Văn Quan và Bình Gia. 

- Đối tượng ưu tiên: Người nông dân là các hộ nghèo, cận nghèo thuộc các xã khó khăn huyện Đình Lập, Văn Quan và Bình Gia. 

* Ưu tiên 2: Cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình nước sinh hoạt nông thôn 

- Kêu gọi dự án tài trợ Công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt. 

- Địa bàn ưu tiên: Xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng. 

- Đối tượng ưu tiên: Người dân tộc thiểu số là các hộ nghèo, cận nghèo thuộc các xã khó khăn. Cấp nước sinh hoạt cho 154 hộ dân với 1.038 nhân khẩu và cấp nước phục vụ sản xuất cho 10 ha đất nông nghiệp. Là công trình thủy lợi cấp IV. Điều kiện địa hình của dự án là đồi núi và bị chia cắt mạnh, các hạng mục manh mún và trải rộng, mặt bằng thi công hạn chật hẹp. Để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả kinh tế, lựa chọn biện pháp thi công cơ giới kết hợp với thi công thủ công. 

* Ưu tiên 3: Hỗ trợ nghiên cứu, nâng cao hiệu quả nuôi, trồng, chế biến các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao 

- Kêu gọi dự án “Hỗ trợ sản xuất và chế biến khoai lang Lộc Bình”. 

- Địa bàn ưu tiên: Ưu tiên triển khai các dự án tại các xã sản xuất khoai lang Lục Thôn, Tú Đoạn, Tú Mịch, Khuất Xá, ... thuộc huyện Lộc Bình.

- Đối tượng ưu tiên: Tập huấn kỹ thuật thâm canh, chế biến khoai lang cho nông dân các xã có diện tích trồng khoai lang. Người nông dân là các hộ nghèo, cận nghèo thuộc các xã sản xuất khoai lang của huyện Lộc Bình. 

4. Giải quyết các vấn đề xã hội: 

4.1. Thông tin chung về lĩnh vực:

Tính đến hết tháng 12/2019 toàn tỉnh có 19.998 người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, chiếm 2,48% dân số toàn tỉnh , gồm đối tượng người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người đơn thân nuôi con, đối tượng được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng, nuôi dưỡng trong các Cơ sở Bảo trợ xã hội, ... Tổng kinh phí chi trả trợ cấp năm 2019 là 107.085 triệu đồng. Thực trạng về người mắc bệnh tâm thần: hiện nay số lượng người mắc bệnh tâm thần trên địa bàn tỉnh khá cao và do sự phát triển của xã hội, áp lực công việc, cuộc sống ngày càng tăng khiến tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần rối, nhiễu tâm trí có xu hướng tăng cao. Dự án xây dựng khu nhà nuôi dưỡng dành cho đối tượng tâm thần được triển khai sẽ giúp chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng tâm thần trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. 

* Thực trạng trẻ em hoàn cảnh khó khăn toàn tỉnh: Tổng số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: 3.121/189.599 trẻ em (chiếm 1,65%), trong đó: 501 trẻ dưới 6 tuổi, 1.025 trẻ từ 6-10 tuổi, 1.593 trẻ từ 10 - 16 tuổi, 1.654 trẻ thuộc hộ nghèo, 371 trẻ thuộc hộ cận nghèo, 1.074 trẻ thuộc họ không nghèo. Tổng số trẻ em mồ côi: 1.477 trẻ, trong đó: 160 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ (chiếm 10,83%), 1.269 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ (chiếm 85.91%); 48 trẻ bị bỏ rơi (chiếm 3,25%).

* Thực trạng người khuyết tật: Lạng Sơn hiện có 10.886 người khuyết tật , chiếm 1,29 % trên tổng dân số toàn tỉnh, trong đó có 4.241 người người khuyết tật về vận động, 1.161 người khuyết tật nghe nói, 1.110 người khuyết tật nhìn, 2.006 người khuyết tật thần kinh, tâm thần, 1.344 người khuyết tật trí tuệ và 1.024 người khuyết tật khác. Theo mức độ khuyết tật: 2.109 người khuyết tật đặc biệt nặng, 7.086 người khuyết tật nặng và 1.691 người người khuyết tật nhẹ. Trình độ học vấn của người khuyết tật thấp và hầu hết không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, một số người khuyết tật có việc làm chủ yếu ở khu vực nông thôn, với thu nhập thấp. Học nghề hết sức khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người khuyết tật nguyên nhân do việc quy định trong dạy nghề chưa phù hợp, công tác hỗ trợ học nghề còn thấp, nhiều nghề không có giáo viên, một số cơ sở dạy nghề không đủ khả năng dạy nghề cho người khuyết tật, ngoài ra bản thân người khuyết tật còn có rào cản từ bản thân, không muốn trang bị nghề và có tư tưởng cam chịu số phận. 

4.2. Nội dung, địa bàn và đối tượng ưu tiên: 

* Ưu tiên 1: Hỗ trợ cho cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp 

- Xây dựng khu nhà chăm sóc và phục hồi chức năng cho đối tượng tâm thần và rối nhiễu tâm trí tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp. 

- Địa bàn ưu tiên: Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Lạng Sơn.

- Đối tượng ưu tiên: xây dựng khu nhà nuôi dưỡng tập trung cho đối tượng tâm thần tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn với quy mô khoảng 50 - 100 đối tượng/năm, gồm: Phòng ở, nhà ăn, phòng chăm sóc y tế và phục hồi chức năng, khu vui chơi giải trí riêng, cổng tường rào, sân vườn nội bộ. 

* Ưu tiên 2: Hỗ trợ và giúp đỡ trẻ có hoàn cảnh khó khăn 

- Địa bàn ưu tiên: huyện Lộc Bình (tổng số trẻ em hoàn cảnh khó khăn: 749 trẻ, trong đó: 464 trẻ thuộc hộ nghèo, 115 trẻ thuộc hộ cận nghèo, 169 trẻ thuộc hộ không nghèo. Tổng số trẻ em mồ côi: 561 trẻ, trong đó: 34 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 527 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Tổng số trẻ khuyết tật: 186 trẻ, trong đó: 27 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, 117 trẻ khuyết tật nặng, 42 trẻ khuyết tật nhẹ). 

- Đối tượng ưu tiên: Ưu tiên hỗ trợ trẻ em mồ côi và trẻ em khuyết tật. 

* Ưu tiên 3: Hỗ trợ người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn 

- Địa bàn ưu tiên: cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật “Nhà may Sài Gòn, đường Bắc Sơn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn”. 

- Đối tượng ưu tiên: Ưu tiên hỗ trợ học nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. 

5. Cơ quan đầu mối về công tác PCPNN ở địa phương: 

- Sở Ngoại vụ tỉnh Lạng Sơn, Địa chỉ: 10 Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. 

- Điện thoại: 02053718605 

- Email: songoaivuls@langson.gov.vn./.

Yên Bái
25/05/2023 1.686 lượt xem
Vĩnh Phúc
25/05/2023 0 lượt xem
Tuyên Quang
25/05/2023 1.756 lượt xem
Trà Vinh
25/05/2023 1.873 lượt xem
Tiền Giang
25/05/2023 1.664 lượt xem
Thừa Thiên Huế
25/05/2023 1.766 lượt xem
Thanh Hóa
25/05/2023 1.676 lượt xem
Thái Nguyên
25/05/2023 1.523 lượt xem
Thái Bình
25/05/2023 1.686 lượt xem
Sóc Trăng
25/05/2023 1.731 lượt xem
Quảng Trị
25/05/2023 1.700 lượt xem
Quảng Ngãi
25/05/2023 1.491 lượt xem