Cần Thơ
19/05/2023 1.804 lượt xem

THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

 

  1. Thông tin chung:

Thành phố Cần Thơ nằm trong vùng trung – hạ lưu và ở vị trí trung tâm châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, trải dài trên 55km dọc bờ Tây sông Hậu, diện tích khoảng 1.409 km2. Phía Bắc giáp tỉnh An Giang; phía Đông giáp tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây giáp tỉnh Kiên Giang; phía Nam giáp tỉnh Hậu Giang.

Số đơn vị hành chính: thành phố Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 5 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt) và 4 huyện (Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai,Vĩnh Thạnh).

Cơ cấu kinh tế: Tỷ lệ cơ cấu kinh tế của thành phố trong đó: 7,7% nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; 32,96% công nghiệp – xây dựng; 59,34% dịch vụ.

Cơ cấu dân cư: tổng số hộ dân cư 359.375 hộ.

Tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Cần Thơ hiện này là 0,66% tương đương 2.401 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo 2,89% tương đương 10.393 hộ.

GRDP bình quân đầu người năm 2019: 88,3 triệu đồng 

2. Tình hình vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của địa phương giai đoạn 2017-2019:

2.1 Giá trị viện trợ giai đoạn 2017-2019:

Năm

Số tổ chức PCPNN và nhà tài trợ

Số dự án

Giá trị viện trợ giải ngân (triệu USD)

2017

14

15

1,19

2018

08

08

0,058

2019

07

07

0,35

Nhìn chung, số lượng dự án tiếp nhận mỗi năm tương đối ổn định (số lượng dự án tiếp nhận có giảm). Tuy nhiên, giá trị viện trợ các dự án có gia tăng, điều này thể hiện sự chuyển biến về hiệu quả trong công tác vận động nhà tài trợ của các đơn vị tiếp nhận viện trợ; quy mô từng dự án được đầu tư lớn hơn.

2.2 Lĩnh vực viện trợ trong giai đoạn 2017-2019: 

Năm

Lĩnh vực 1

Lĩnh vực 2

Lĩnh vực 3

Lĩnh vực khác

2017

Y tế

Giáo dục và Đào tạo

Giải quyết các vấn đề xã hội

Xây dựng, nông nghiệp, biến đổi khí hậu

2018

Giải quyết các vấn đề xã hội

Đào tạo, giáo dục nghề nghiệp

Giáo dục và đào tạo

Y tế

2019

Đào tạo, giáo dục nghề nghiệp

Giải quyết các vấn đề xã hội

Xây dựng

Biến đổi khí hậu

Các chương trình, dự án tập trung triển khai trong các lĩnh vực Y tế; Đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp; Giải quyết các vấn đề xã hội và Ứng phó với biến đổi khí hậu; Các dự án phát triển về nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và người dân. Trong đó, các dự án về Đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp và Giải quyết các vấn đề xã hội là nhiều nhất. 

2.3 Địa bàn viện trợ trong giai đoạn 2017-2019: 

Các dự án tập trung triển khai tại các quận, huyện có điều kiện còn khó khăn (các xã nghèo tại huyện Cờ Đỏ, huyện Thới Lai, huyện Phong Điền,...) và chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. 

2.4 Đối tượng viện trợ trong giai đoạn 2017-2019:

Trong giai đoạn từ 2017 - 2019, những đối tượng được hưởng lợi từ các chương trình, dự án của các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tài trợ chủ yếu gồm: người có hoàn cảnh khó khăn (05 dự án); phụ nữ (06 dự án); trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (11 dự án), người khuyết tật (02 dự án), thanh thiếu niên (02 dự án).

3. Định hướng ưu tiên vận động viện trợ giai đoạn 2020-2022:

3.1 Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo:

3.1.1. Thông tin chung về lĩnh vực GD&ĐT:

a) Quy mô trường, lớp và học sinh đầu năm học 2019 - 2020 (thời điểm ngày 30/10/2019). Toàn thành phố hiện có 455 trường với 248.746 học sinh. Trong đó:

  - Mầm non, mẫu giáo: 175 trường, với 47.915 trẻ;

  - Tiểu học: 176 trường, với 100.568 học sinh;

  - Trung học cơ sở: 68 trường, với 69.160 học sinh;

  - Trung học phổ thông: 36 trường, với 31.103 học sinh.

 b) Kết quả thực hiện chỉ tiêu do thành phố giao năm 2019 (theo Quyết định số 3228/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2018 của UBND thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019)

  - Tỷ lệ huy động học sinh đúng độ tuổi ra lớp năm học 2019 - 2020 (tính đến ngày 30 tháng 10 năm 2019): mẫu giáo đạt 95,66% (kế hoạch 95%); tiểu học đạt 100% (kế hoạch 100%); trung học cơ sở đạt 95,2% (kế hoạch 95%), trung học phổ thông đạt 69,4% (kế hoạch 69%).

  - Trường đạt chuẩn quốc gia: Năm 2019 thành phố có thêm 24 trường đạt chuẩn quốc gia (kế hoạch 24 trường), nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 329/455 trường, tỷ lệ 71,15%. Cụ thể:

  + Mầm non: 115/175 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 65,71% (do Trường mầm non Tân Nhơn sáp nhập với Trường mầm non Tân Thới; Trường mầm non Vàm Xáng sáp nhập với MN Xà No);

  + Tiểu học: 141/176 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 80,11% (Trường tiểu học Thới An Đông 2 sáp nhập với Trường tiểu học Thới An Đông 3);

  + Trung học cơ sở: 50/68 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 73,53%;

  + Trung học phổ thông: 21/36 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 58,33%.

3.1.2 Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực GD&ĐT:

3.1.2.1 Nội dung ưu tiên số 1: Xây dựng cơ sở hạ tầng giáo dục và mua sắm thiết bị dạy nghề cho học sinh khuyết tật tại Trường Dạy trẻ khuyết tật thành phố Cần Thơ

Kiến nghị: Xây dựng cơ sở hạ tầng phòng dạy nghề cho học sinh khuyết tật và mua sắm thiết bị dùng cho phòng dạy nghề dành cho học sinh khuyết tật.

3.1.2.2 Nội dung ưu tiên số 2: Cấp học bổng cho học sinh

- Kiến nghị: Hỗ trợ thêm nhiều chương trình học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Cấp học bổng cho học sinh: Học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

3.1.2.3 Nội dung ưu tiên số 3: Hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin cho các trường trên địa bàn thành phố

- Kiến nghị: Hỗ trợ nhiều chương trình, dự án để giáo viên, học sinh tại khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố được tiếp cận với công nghệ thông tin và Internet.

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin cho các trường trên địa bàn thành phố: Học sinh tại khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố.

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Hỗ trợ đào tạo công nghệ thông tin cho các trường trên địa bàn thành phố: các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai. 

3.2 Lĩnh vực Y tế:

3.2.1 Nội dung ưu tiên số 1: Đào tạo cán bộ y tế

- Thông tin chung về lĩnh vực:

Hiện nay số lượng và chất lượng cán bộ y tế trên địa bàn thành phố có mặt bằng chung khá cao so với khu vực, trung bình cả nước. Toàn ngành có 4.680 nhân viên y tế, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 9,55 (ngành quản lý) và 15,84 (trên địa bàn); tỷ lệ dược sĩ/vạn dân 1,99 (ngành quản lý) và 4,05 (trên địa bàn). Do đó, ngành Y tế thành phố cần tập trung vào các lĩnh vực y tế chuyên sâu, công nghệ y sinh để phục vụ cho công tác dự phòng, điều trị và nghiêncứu khoa học. Đồng thời, cơ chế tự chủ đã được triển khai rộng rãi tại các đơn vị y tế trên địa bàn, vì vậy ngành Y tế cần phải đào tạo thêm các nhân lực chuyên sâu về kinh tế y tế để phục vụ tốt cho phu cầu thực tiễn.

- Nội dung ưu tiên: kinh tế y tế, kỹ thuật y tế chuyên sâu, công nghệ y sinh.

- Địa bàn ưu tiên: Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy

- Đối tượng ưu tiên: Các đơn vị chuyên ngành tuyến thành phố

3.2.2 Nội dung ưu tiên số 2: Phòng chống HIV/AIDS.

- Thông tin chung về lĩnh vực: 

Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả tích cực: số người nhiễm mới HIV giảm, tử vong giảm, chuyển sang AIDS giảm, đặc biệt là cắt được đường lây truyền từ mẹ sang con. Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện ngày càng có chiều sâu đảm bảo cung cấp thông tin đến người dân trên địa bàn thông qua các hình thức: Đài Phát thanh và Truyền hình; Báo Cần Thơ; đội ngũ nhân viên Tiếp cận cộng đồng, Cộng tác viên. Hoạt động tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng do nhân viên y tế thực hiện được mở rộng cho tất cả các quận/huyện.

Lũy tích số nhiễm HIV phát hiện được 6.608 trường hợp; Trong đó, tử vong 2.507 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.101 trường hợp (trong đó quản lý được 3.690 trường hợp và không xác định 411 trường hợp). Việc quản lý, giám sát các đối tượng nhiễm HIV rất quan trọng. Hiện nay trong thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát bệnh nhân HIV/AIDS sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực y tế. Tuy nhiên với nguồn kinh phí hoạt động còn hạn chế. Năm 2019, kinh phí các dự án viện trợ chiếm 35,7% kinh phí phòng, chống HIV/AIDS toàn thành phố. Do đó, để đầu tư hệ thống giám sát và quản lý chất lượng, ngành Y tế rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức viện trợ.

- Nội dung ưu tiên: giám sát, quản lý chất lượng, nghiên cứu khoa học

- Địa bàn ưu tiên: toàn thành phố

- Đối tượng ưu tiên: nhóm MSM, phụ nữ mại dâm

3.2.3 Nội dung ưu tiên số 3: Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh.

- Thông tin chung về lĩnh vực:

Hiện Sở Y tế có 13 bệnh viện tuyến thành phố, 3 bệnh viện tuyến quận, huyện và 05 Trung tâm Y tế một chức năng, 04 Trung tâm Y tế hai chức năng trực thuộc. Năm 2019, số lượt khám chữa bệnh trên 5 triệu lượt, điều trị nội trú trên 270.000 lượt.Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đảm bảo quy chế chuyên môn, tăng cường triển khai các kỹ thuật mới, chuyên sâu, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế của thành phố năm 2019 đạt 92%. Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, tổ chức khám chữa bệnh từ xa sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại và giảm nguy cơ lây nhiễm, giúp nâng cao sự hài lòng của người bệnh.

- Nội dung ưu tiên: quản lý khám chữa bệnh bằng công nghệ thông tin, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh, xây dựng hệ thống quản lý cơ sở khám chữa bệnh, khám bệnh từ xa.

- Đơn vị ưu tiên triển khai: Bệnh viện Đa khoa thành phố, Bệnh viện Tim Mạch, Bệnh viện Nhi đồng, Bệnh viện Phụ sản.

3.3 Lĩnh vực Đào tạo, Giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng:

Hiện nay, vấn đề đào tạo cho học sinh, sinh viên, học viên tham gia học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quan tâm nhiều, tuy nhiên vấn đề giáo viên có trình độ chuyên môn cao tại các cơ sở còn hạn chế, các vị trí việc làm cho các đối tượng yếu thế chưa được nhiều, trong đó có đối tượng nữ yếu thế. Vì vậy, việc bổ sung chuyên gia, giáo viên dạy nghề có chuyên môn cao đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và vấn đề tạo việc làm cho đối tượng yếu thế là vấn đề quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với việc làm.

  3.3.1 Nội dung ưu tiên 1: Cung cấp bổ sung chuyên gia và giáo viên dạy nghề có chuyên môn cao:

  + Thực trạng: chuyên gia và giáo viên dạy nghề có chuyên môn cao tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không nhiều do đó chất lượng đào tạo nghề chưa cao, tỉ lệ học viên hoàn thành khóa học có việc làm bằng nghề đã học chưa nhiều.

  + Kiến nghị: bổ sung chuyên gia và giáo viên dạy nghề có trình độ chuyên môn cao hoặc Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao đối với các giáo viên dạy nghề, tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ứng với việc học viên học xong có thể ứng dụng ngay hoặc tự tạo việc làm.

  - Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

  - Đối tượng ưu tiên viện trợ PCPNN đối với nội dung Cung cấp bổ sung chuyên gia và giáo viên dạy nghề có chuyên môn cao: học viên có hoàn cảnh khó khăn, lao động di cư, phụ nữ có trình độ thấp, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ kết hôn với người nước ngoài hồi hương trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

  3.3.2 Nội dung ưu tiên 2: Đào tạo dạy nghề và kỹ năng gắn với tạo việc làm cho thanh niên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, lao động di cư:

  + Thực trạng Đào tạo dạy nghề và kỹ năng gắn với tạo việc làm cho các đối tượng đã nêu, hiện nay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa quan tâm nhiều tới vấn đề tạo việc làm sau khi đào tạo nghề. Do đó đối tượng này cần được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng hỗ trợ quan tâm, tạo điều kiện tìm việc làm sau khi hoàn thành khóa học.

  + Kiến nghị: Các đối tượng nêu trên cần được ưu tiên đào tạo kỹ năng cần thiết để nhanh chóng tìm kiếm được việc làm sau khi hoàn thành khóa học.

  - Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN: các quận huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

  - Đối tượng ưu tiên viện trợ PCPNN đối với nội dung Đào tạo dạy nghề gắn với tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế: thanh niên, người khuyết tật, dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, lao động di cư tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

3.3.3 Nội dung ưu tiên 3: Đào tạo, dạy nghề gắn với tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ các chương trình, dự án dành cho các đối tượng là thanh thiếu niên LGBT trên địa bàn thành phố được tiếp cận với kỹ năng đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Đào tạo, dạy nghề gắn với tạo việc làm cho các đối tượng yếm thế: Trẻ em và thanh thiếu niên LGBT có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. 

3.4 Lĩnh vực Giải quyết các vấn đề xã hội: 

3.4.1 Nội dung ưu tiên số 1: Giáo dục và giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn.

- Kiến nghị: Hỗ trợ các chương trình, dự án cho trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố được tiếp cận các dịch vụ về y tế, giáo dục, dịch vụ xã hội, các kỹ năng ứng xử trong xã hội. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Giải quyết các vấn đề xã hội: Trẻ em và thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. 

3.4.2 Nội dung ưu tiên số 2: Xây dựng nhà ở và hố xí hợp vệ sinh cho người có hoàn cảnh khó khăn. 

- Kiến nghị: Hỗ trợ các dự án xây dựng nhà ở và hố xí hợp vệ sinh cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Xây dựng nhà ở và hố xí hợp vệ sinh cho người có hoàn cảnh khó khăn: Người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. 

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Xây dựng nhà ở và hố xí hợp vệ sinh cho người có hoàn cảnh khó khăn: các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai.

3.5 Lĩnh vực Môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu:

3.5.1 Nội dung ưu tiên số 1: Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương: 

Mục tiêu: Biến đổi khí hậu đã tác động rất nhiều đến cộng đồng khác nhau khiến họ phải đương đầu với những hiểm họa đang gia tăng và trở nên dễ bị tổn thương hơn. Để xây dựng kế hoạch thích ứng hiệu quả, cần phải tăng cường năng lực cũng như giúp họ hiểu biết về biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, việc giúp họ có khả năng chống đỡ và phục hồi là một điều hết sức quan trọng trong bối cảnh giảm nhẹ rủi ro thiên tai và đại dịch. Việc hướng dẫn đào tạo nghề để tìm được công việc phù hợp trong bối cảnh không an toàn là giúp họ đạt được những kết quả như mong muốn trong cuộc sống.

Đối tượng: khoảng 300 người thuộc hộ nghèo và cận nghèo. 

Phương pháp: tổ chức các lớp truyền thông, hỗ trợ dạy nghề, đăng ký nhu cầu tìm việc, chuyển đổi mô hình sản xuất…

 3.5.2 Nội dung ưu tiên số 2: Xây dựng mô hình điểm về Lồng ghép chương trình giáo dục, phổ biến   kiến thức về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường nhằm góp phần phòng ngừa dịch bệnh và giảm nhẹ tác động thiên tai cho các em học sinh ở các cấp học: 

Mục tiêu: Với tỷ lệ chiếm gần một phần ba dân số Việt Nam, trẻ em được xác định là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, ô nhiễm môi trường do tính dễ tổn thương về thể chất và tâm lý xã hội, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của các em. Đồng thời, vì các em còn nhỏ tuổi, phải phụ thuộc vào cha mẹ và những người chăm sóc khác nên tiếng nói và khả năng ứng phó với bên ngoài xã hội rất hạn chế. Do đó, cần có những giải pháp hỗ trợ giúp tăng cường khả năng chống chịu và ứng phó của trẻ em với các thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nhằm giảm thiểu các tác động và sự tổn thương đến các em. Điều này cho thấy, việc xây dựng chương trình giáo dục, phổ biến kiến thức và những hoạt động thực tiễn phù hợp với các độ tuổi khác nhau về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phòng ngừa dịch bệnh và giảm nhẹ tác động thiên tai cho trẻ em là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hiện nay. 

Đối tượng: lựa chọn thực hiện thí điểm 03 mô hình ở mỗi cấp học: tiểu học và trung học cơ sở. 

Phương pháp: xây dựng phương pháp truyền đạt kiến thức song song vừa lý thuyết, vừa thực hành thông qua vẽ tranh ảnh, đố vui, video, tổ chức các hoạt động cộng đồng ngoài thực địa.

3.6 Lĩnh vực Nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn:

3.6.1 Nội dung ưu tiên 1: Xây dựng cầu giao thông nông thôn.

- Kiến nghị: Hỗ trợ các dự án xây dựng cầu giao thông nông thôn tại các tuyến giao thông nông thôn trên địa bàn quận, huyện của thành phố. 

- Đối tượng ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Xây dựng cầu giao thông nông thôn: các cầu giao thông nông thôn đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng việc đi lại của người dân. 

- Địa bàn ưu tiên vận động viện trợ PCPNN đối với nội dung Xây dựng cầu giao thông nông thôn: các huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai.

3.6.2 Nội dung ưu tiên 2: Xây dựng mô hình xử lý rác thải, vỏ bao bì thuốc Bảo vệ thực vật đã qua sử dụng nhằm giảm ô nhiểm môi trường sản xuất nông nghiệp.

Tính cấp thiết của đề xuất: Thành phố Cần Thơ có diện tích nông nghiệp 114.621 ha; phần lớn vẫn là diện tích sản xuất lúa (trên 80.000 ha) với cơ cấu 3 vụ/năm; với sản lượng trên 1,3 triệu tấn/năm; Đối với cây ăn trái thì sản lượng hàng năm trên 140.000 tấn trên diện tích 20.125 ha; Sản lượng rau màu trên 160 ngàn tấn. Theo ước tính, lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật thường chiếm khoảng 14,86% so với lượng thuốc tiêu thụ, như vậy mỗi năm tại thành phố Cần Thơ đã thải ra môi trường sản xuất khoảng 230.940 kg bao bì, vỏ chai thuốc BVTV sau khi sử dụng các loại. Trước đây, phần lớn vỏ bao bì là chai thủy tinh nhưng gần đây đã được thay thế bằng một phần lớn chai nhựa và các túi Polyethylen, đây là các chất Polyethylen khó phân giải. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật cho thấy, lượng thuốc còn bám lại trên vỏ bao bì trung bình chiếm 1,85% tỷ trọng bao bì, như vậy mỗi năm chúng ta đã đổ vào môi trường sản xuất khoảng trên 28.751 kg thuốc BVTV. Lượng thuốc này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, ô nhiễm nguồn đất, nước và nhiễm bẩn nông sản. Một vấn đề đáng quan tâm là tập quán canh tác của nông dân sau khi phun thuốc BVTV cho cây trồng thường để lại bao bì ngay trên bờ ruộng hoặc vứt xuống kênh mương nội đồng gây ô nhiễm môi trường.

3.7 Lĩnh vực thể dục thể thao:

Tên dự án: Đầu tư lắp đặt thiết bị tập luyện thể dục thể thao công cộng tại xã nông thôn mới, phường, thị trấn văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Mục tiêu: Lắp đặt thiết bị tập luyện thể dục thể thao công cộng cho 17 xã nông thôn mới, 12 phường, thị trấn văn minh đô thị trên địa bàn thành phố, để thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

4. Cơ quan đầu mối về công tác PCPNN ở địa phương:

4.1 Cơ quan đầu mối về vận động viện trợ PCPNN:

- Tên đơn vị: Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị nghị thành phố Cần Thơ

- Địa chỉ: số 27 Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

- Điện thoại: 0292 3 820 149

- Email: lhctchn@cantho.gov.vn

4.2 Cơ quan đầu mối về hoạt động của tổ chức PCPNN: 

- Tên đơn vị: Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ

- Địa chỉ: số 27 Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

- Điện thoại: 080 71271

- Email: songoaivu@cantho.gov.vn

Trên đây là nội dung cung cấp thông tin nhu cầu vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ kính chuyển Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam./.            

  

Nơi nhận:

- Như trên;

- CT, PCT UBND thành phố;

- Các Sở: KHĐT, Ngoại vụ;

- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP;

- VP UBND thành phố;

- Lưu: VT.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

Yên Bái
25/05/2023 1.686 lượt xem
Vĩnh Phúc
25/05/2023 0 lượt xem
Tuyên Quang
25/05/2023 1.756 lượt xem
Trà Vinh
25/05/2023 1.873 lượt xem
Tiền Giang
25/05/2023 1.664 lượt xem
Thừa Thiên Huế
25/05/2023 1.766 lượt xem
Thanh Hóa
25/05/2023 1.676 lượt xem
Thái Nguyên
25/05/2023 1.523 lượt xem
Thái Bình
25/05/2023 1.686 lượt xem
Sóc Trăng
25/05/2023 1.731 lượt xem
Quảng Trị
25/05/2023 1.700 lượt xem
Quảng Ngãi
25/05/2023 1.490 lượt xem