Bình Định
19/05/2023 1.794 lượt xem

PHỤ LỤC 
 Thông tin tóm tắt về tỉnh Bình Định

  1. Thông tin chung:
    1. Diện tích:  6071 Km2
      1. Dân số:      1,487,817 người
      2. Dân tộc: Kinh, Bana, Hrê, Chăm và các dân tộc khác
      3. Số đơn vị hành chính: 11
      4. Cơ cấu kinh tế: 
         + Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 27.8%

+ Công nghiệp - Xây dựng: 27.8%

+ Dịch vụ: 39.9%

+ Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 4.5%

  1. Cơ cấu dân cư: 

+ Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 307.612 người

+ Công nghiệp - Xây dựng: 251.824 người

+ Dịch vụ: 305.770 người

  1. Cơ cấu lao động:

+ Nông, lâm nghiệp và thủy sản: 35.6%

+ Công nghiệp - Xây dựng: 29.1%

+ Dịch vụ: 35.3%

  1. Tỷ lệ hộ nghèo: 5,34%
  2. Mức thu nhập bình quân đầu người: 40 triệu đồng

2. Tình hình vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của địa phương giai đoạn 2017 - 2019:

2.1. Giá trị viện trợ giai đoạn 2017 - 2019:

Năm 

Số tổ chức PCPNN và nhà tài trợ

Số dự án

Giá trị viện trợ giải ngân (USD)

2017

39

39

1.645.474

2018

42

49

2.182.836

2019

46

50

1.917.559

 

2.2. Lĩnh vực viện trợ: Liệt kê 03 lĩnh vực nhận được nhiều viện trợ của tổ chức PCPNN nhất trong giai đoạn 2017 - 2019 (đơn vị tính USD)

 

Năm 

Lĩnh vực 1

Lĩnh vực 2

Lĩnh vực 3

Các lĩnh vực khác

2017

Y tế

Giáo dục - Đào tạo

Giải quyết các vấn đề xã hội

Giảm nhẹ thiên tai, nông nghiệp, cứu trợ khẩn cấp

2018

Y tế

Giáo dục - Đào tạo

Giải quyết các vấn đề xã hội

Giảm nhẹ thiên tai, nông nghiệp, cứu trợ khẩn cấp

2019

Y tế

Giáo dục - Đào tạo

Giải quyết các vấn đề xã hội

Giảm nhẹ thiên tai, nông nghiệp, cứu trợ khẩn cấp

 

2.3. Địa bàn viện trợ: Liệt kê địa bàn của địa phương mà các TCPCPNN đã hỗ trợ nhiều trong giai đoạn 2017 - 2019:

 

Năm 

Địa bàn 1

Địa bàn 2

Địa bàn 3

2017

Huyện Tây Sơn

Huyện Tuy Phước

Huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ

2018

Huyện Tuy Phước

Huyện Phù Cát

Huyện Tây Sơn, Hoài Ân, Quy Nhơn

2019

Thành phố Quy Nhơn

Huyện Tây Sơn

Thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát

 

2.4. Đối tượng viện trợ: Nhóm đối tượng mà các TCPCPNN đã hỗ trợ nhiều cho địa phương trong giai đoạn 2017 - 2019 gồm: trẻ em, người khuyết tật, người nghèo.

3. Định hướng ưu tiên vận động viện trợ giai đoạn 2020 - 2022:

3.1. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo: 

3.1.1. Thông tin chung về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo:

Tính đến năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo Bình Định có 216 trường mầm non, 218 trường Tiểu học, 149 trường THCS và 54 trường THPT. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên trong toàn ngành là 16.055 với hơn 334.000 học sinh các cấp học.

3.1.2. Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo:

Nội dung thứ nhất: Hỗ trợ đào tạo giáo viên

a) Thực trạng: 

Tổng số cán bộ quản lý và giáo viên hiện có ở các trường THCS, tiểu học, mầm non trên địa bàn tỉnh Bình Định tính đến ngày 31/01/2020 là 13.503 viên chức. Tổng số CBQL, giáo viên mầm non: 2.382, trong đó có 1.793 đại học, 196 cao đẳng, 393 trung cấp; Tổng số CBQL, giáo viên tiểu học: 6.257, trong đó có 15 thạc sỹ, 5.212 đại học, 793 cao đẳng, 237 trung cấp; Tổng số CBQL, giáo viên trung học cơ sở là 4.864 trong đó 109 thạc sỹ, 3.828 đại học, 927 cao đẳng. 

Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo và CBQLGD hiện nay về cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục; có trình độ chuyên môn, năng lực, có kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn cao. 

Tuy nhiên, Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 đã nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non (đạt chuẩn trình cao đẳng), tiểu học (đạt chuẩn trình độ đại học), vì vậy Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vận động các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ kinh phí đào tạo cho giáo viên mầm non và tiểu học ở các huyện miền núi và trung du có điều kiện khó khăn được tham gia học tập, đào tạo nâng chuẩn, đảm bảo theo vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

b) Kiến nghị nhu cầu đào tạo:

+ Nhu cầu đào tạo đạt chuẩn, nâng chuẩn đối với giáo viên mầm non là: 81 giáo viên.

+ Nhu cầu đào tạo đạt chuẩn đối với giáo viên Tiểu học là: 110 giáo viên.

c) Địa bàn ưu tiên: các huyện miền núi, trung du gồm An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn.

d) Đối tượng ưu tiên: Giáo viên đang giảng dạy tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, có trình độ chuyên môn chưa đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Nội dung thứ hai: Hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ, cung cấp giáo viên tình nguyện viên

a) Thực trạng:

Đặc điểm ở các huyện miền núi là người dân sống rải rác, kinh tế chậm phát triển nên việc dạy và học tiếng Anh ở các trường tiểu học, THCS, THPT thuộc các địa bàn trên cũng có nhiều hạn chế và khó khăn như: thiếu thiết bị dạy học ngoại ngữ (tivi màn hình lớn, máy chiếu, bảng tương tác hay các thiết bị phòng học ngoại ngữ đa năng...), đặc biệt, không có các trung tâm Anh ngữ cho các em rèn luyện các kĩ năng tiếng Anh như ở các vùng khác trong tỉnh. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam vận động các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị dạy học ngoại ngữ và hỗ trợ giáo viên tình nguyện đến giảng dạy các trường ở các huyện trên để các em học sinh có điều kiện học tiếng Anh được tốt hơn. 

b) Địa bàn ưu tiên: Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão.

Nội dung thứ ba: Cấp học bổng cho học sinh

a) Thực trạng:

Việc cấp học bổng cho những học sinh đang theo học tại các  trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở và Tiểu học thuộc địa bàn tỉnh Bình Định có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha mẹ nhưng có nhiều nỗ lực vươn lên trong học tập là hoạt động có ý nghĩa, nhằm động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em học sinh. Đây là món quà ý nghĩa nhằm động viên, tiếp thêm sức mạnh, để các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện tại, biết vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Tổng số học sinh khó khăn là 605, trong đó cấp THPT: 160, THCS: 248, TH: 197. 

b) Kiến nghị cấp học bổng: 150 học sinh. Trong đó, THPT: 50 học sinh; THCS: 50 học sinh; Tiểu học: 50 học sinh

c) Đối tượng ưu tiên: Học sinh Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Bình Định.

 

3.2. Lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội:

Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội:

Nội dung thứ nhất: Nhu cầu hỗ trợ khám sàng lọc, vận động hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh

a) Thực trạng:

Chương trình hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh (đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với các nhà tài trợ thực hiện hàng năm (trong đó có tổ chức VinaCapital – Chương trình Nhịp tim Việt Nam). Hầu hết trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh tham gia Chương trình đều thuộc gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều trẻ em đã không được phẫu thuật chữa bệnh kịp thời do nguồn tài trợ bị cắt giảm. Các đơn vị tài trợ như: Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh, Quỹ Tài trợ VinaCapital, Tổ chức Trả lại Tuổi thơ, Quỹ Hiểu về trái tim…không còn tài trợ 100% chi phí phẫu thuật tim như trước mà chỉ tài trợ 30%, 40% hoặc 50%. Vì vậy, gia đình phải thanh toán phần chi phí còn lại, đây là khoản chi phí quá sức đối với gia đình có trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh. 

b) Kiến nghị: Đề nghị Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam vận động Tổ chức VinaCapital tăng nguồn lực hỗ trợ cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh của tỉnh trong thời gian đến. Đồng thời hỗ trợ cho các Bệnh viện chuyên khoa tim mạch đến khám sàng lọc cho trẻ em và người dân có dấu hiệu bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh Bình Định.

c) Địa bàn thực hiện: Trên địa bàn tỉnh.

d) Đối tượng ưu tiên: Trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh

 Nội dung thứ hai: Nhu cầu hỗ trợ người cao tuổi

a) Thực trạng:

Theo số liệu thống kê báo cáo hiện toàn tỉnh có 185.141 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 12,14% so tổng dân số, tỷ lệ nam là 43,3% so với người cao tuổi, nữ là 56,7% so với người cao tuổi. Chia theo độ tuổi: Từ 60 -79: 135.920 người; người từ 80 tuổi trở lên là 49.221 trong đó người từ 80-99: 48.941 người; 100 tuổi: 135 người; từ 101 tuổi trở lên: 145 người. Tổng số hội viên Hội người cao tuổi: 166.620 người, trong đó hội viên người cao tuổi dưới 60 tuổi: 159.370 người. Người cao tuổi sống đều khắp các vùng trên địa bàn tỉnh, phần lớn người cao tuổi không có lương hưu, thu nhập thấp, người cao tuổi là đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, hải đảo và những vùng thường xảy ra thiên tai lũ lụt đều rơi vào hộ nghèo, điều kiện sinh hoạt và cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, năm 2019 toàn tỉnh đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 52.896 người cao tuổi (trong đó có 16.032 người cao tuổi khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, 948 người cao tuổi không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, thuộc hộ nghèo) và hỗ trợ kinh phí chăm sóc cho 3.941 gia đình có người cao tuổi khuyết tật đặc biệt nặng. 

Thực trạng cơ sở hạ tầng phục vụ người cao tuổi: Toàn tỉnh có 03 cơ sở bảo trợ xã hội công lập, cụ thể: Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng người có công, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, các đơn vị đang nuôi dưỡng, chăm sóc 633 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó 62 đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi, (đạt 6,5 % chỉ tiêu người cao tuổi không có người có quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng được nuôi dưỡng trong các cơ sở chăm sóc người cao tuổi). Hiện tại các cơ sở bảo trợ xã hội chỉ nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định của nhà nước, chưa thực hiện mở rộng đối tượng. 

Giai đoạn 2020-2022: Địa phương đã bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp mở rộng 03 cơ sở có chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội nói trên nhưng công tác này chỉ nhằm cải tạo cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị nhằm phục vụ tốt hơn cho đối tượng hiện tại, chưa có điều mở rộng nhóm đối tượng tiếp nhận tự nguyện, nguyên nhân phần lớn do thiếu vốn đầu tư và diện tích đất để mở rộng.

b) Kiến nghị: Đề nghị Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam vận động Tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh xây dựng cơ sở chăm sóc người cao tuổi đạt chất lượng, quy mô chăm sóc khoảng 500 người cao tuổi.

c) Địa bàn thực hiện: Thành phố Quy Nhơn.

d) Đối tượng ưu tiên: Người cao tuổi.

3.3. Lĩnh vực y tế:

Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực y tế:

Nội dung thứ nhất: Hỗ trợ người khuyết tật và hỗ trợ hoàn thiện mạng lưới, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực về phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

a) Thực trạng: Công tác Quản lý và chăm sóc sức khỏe người khuyết tật tỉnh Bình Định trong thời gian qua được ngành y tế quan tâm thực hiện từ hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe (CSSK) và phục hồi chức năng (PHCN), đầu tư trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực về PHCN cho người khuyết tật…bằng nguồn kinh phí ngân sách cũng như từ các dự án của các tổ chức phi chính phủ, tuy đã đạt được một số thành quả bước đầu nhưng cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu CSSK&PHCN cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

          Thực trạng về người khuyết tật trên địa bàn tỉnh (theo điều tra về người khuyết tật năm 2015 của ngành y tế Bình Định):

          - Tổng số NKT trên địa bàn tỉnh:  29. 425 người, chiếm 1.95% dân số. 

          - Giới tính:   Nam: 16.816;  57.15%; Nữ:12.609; 42.85% 

          - Số NKT theo độ tuổi: dưới 16 tuổi 3.689 (11.4%); từ 16 tuổi đến 59 tuổi:   18.389 (56.8%); từ 60 tuổi trở lên 10.294 (31.8%). NKT trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao nhât.

          -  Phân loại khuyết tật:

Khuyết tật vận động:                        15.466          #43,6%

Khuyết tật nghe, nói:                          5.356          #15,1%

Khuyết tật nhìn :                                 4.261          #12,0% 

Khuyết tật trí tuệ:                                3.718          #10,5%

Khuyết tật thần kinh, tâm thần:           3.981          #11,2% 

Khuyết tật khác:                                 2.705          #7,6%

Tỷ lệ khuyết tật vận động chiếm tỷ lệ cao nhất 43,6%

          Về hoàn thiện mạng lưới CSSK và PHCN cho người khuyết tật, tỉnh Bình Định hiện có Bệnh viện YHCT&PHCN thực hiện công tác tham mưu cho Sở Y tế và CSSK, PHCN cho người khuyết tật. 7/11 Trung tâm y tế có khoa YHCT&PHCN, 4 tổ/bộ phận PHCN thuộc khoa YHCT. 159/159 Trạm y tế có phân công chuyên trách và được tập huấn hàng năm về quản lý CSSK, PHCN cho người khuyết tật.

          Về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế dành cho PHCN mặc dù được quan tâm đầu tư trong các năm qua nhưng chưa đáp ứng nhu cầu CSSK&PHCN cho người khuyết tật. Dụng cụ Vận động trị liệu và hoạt động trị liệu cơ bản mới được đầu tư từ các dự án của các tổ chức phi chính phủ cho Bệnh viện YHCT&PHCN, 3/11 TTYT (Tây Sơn, Tuy Phước, An Nhơn), các đơn vị còn lại hầu như chưa có gì. Trang thiết bị điều trị chuyên ngành Vật lý trị liệu còn rất thiếu thốn tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.

Về đào tạo nhân lực PHCN cho người khuyết tật trong thời gian qua mặc dù ngành y tế đã quan tâm cử đào tạo bằng nhiều nguồn kinh phí như kinh phí Nhà nước, kinh phí hỗ trợ từ các Dự án của Bộ Y tế, kinh phí hỗ trợ từ các Dự án của các Tổ chức phi chính phủ; nhiều hình thức đào tạo như đào tạo tại chỗ, gửi đào tạo tại các cơ sở đào tạo dành cho Kỷ thuật viên, Bác sỹ PHCN…nhưng so với nhu cầu CSSK cho người khuyết tật hiện nay còn rất khiêm tốn.

Về thực hiện danh mục kỷ thuật chuyên môn PHCN tại các cơ sở cung cấp dịch vụ CSSK&PHCN cho NKT, đa số các đơn vị cung cấp dịch vụ PHCN chỉ thực hiện trung bình 50% danh mục kỷ thuật theo quy định của Bộ Y tế. Khó khăn là do các kỷ thuật cần có dụng cụ trang thiết bị, chuyên môn sâu chuyên ngành như Âm ngữ trị liệu, dụng cụ chỉnh hình cần đào tạo chuyên sâu thêm.

Tuy nhiên, việc CSSK&PHCN trên địa bàn tỉnh còn có nhiều hạn chế do nguồn lực thực hiện, số lượng người khuyết tật lớn, cơ sở vật chất trang thiết bị chuyên ngành hạn chế, nhân lực chuyên môn PHCN còn mỏng, các chương trình dự án mới triển khai ở một số huyện (5/11 huyện thị). Chăm sóc sức khỏe và PHCN cho NKT là công tác ưu tiên của ngành, tuy nhiên, kinh phí phân bổ cho hoạt động này hàng năm còn hạn chế, cần có sự đầu tư tương xứng và sự hỗ trợ tích cực từ các Dự án của các Tổ chức phi chính phủ.

b) Kiến nghị: Đề nghị Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam vận động Tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh về cơ sở vật chất trang thiết bị y tế, đào tạo nhân lực về phục hồi chức năng cho người khuyết tật.

c) Địa bàn thực hiện: Toàn tỉnh

d) Đối tượng ưu tiên: Người khuyết tật, Bác sỹ PHCN.

Nội dung thứ hai: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên, ưu tiên các vùng miền núi

a) Thực trạng: Dân số tỉnh Bình Định khoảng 1,5 triệu người, trong đó dân số Vị thành niên/thanh niên (nhóm dân số từ 10-24 tuổi, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới) chiếm khoảng 22%, tương đương khoảng 300.000 người.

Thực trạng SKSS VTN và TN cả nước nói chung và Bình Định nói riêng là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Kiến thức hiểu biết về CSSKSS còn hạn chế, tình trạng nạo phá thai, có thai sớm, có thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và những tai nạn thương tích (tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ khá cao).

Tại cuộc điều tra 2013:

+ 19% VTN chấp nhận có quan hệ tình dục trước hôn nhân

+ 22% VTN có kiến thức về các BPTT

+ 39% VTN cho rằng các BPTT chỉ dành cho người đã có gia đình

+ 48% VTN không biết các dấu hiệu của dậy thì và có thai

+ 49% vị thành niên không biết nơi bán bao cao su và thuốc tránh thai.

+ Trong số 2000 cas nạo hút thai trong 1 năm, thì có khoảng 6% là VTN.

+ Tỉ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở VTN tuy không cao, nhưng có đến 20% không biết cần điều trị khi mắc bệnh đường tình dục.

+ Có vị thành niên nhiễm HIV ở tuổi dưới 15, hơn 50% không biết cách phòng tránh HIV.

Hàng năm Bình Định có hàng chục trường hợp là vị thành niên gái bị lạm dụng tình dục dưới nhiều hình thức và để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như: có thai ngoài ý muốn, sang chấn tinh thần, tự tử...; Nhiều trẻ em gái 12-17 tuổi bị dụ dỗ, cưỡng bức tham gia vào các hoạt động mại dâm.

Trong những năm qua được sự quan tâm của HĐND, UBND tỉnh, ngành Y tế, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể liên quan, các chương trình Dự án Quốc gia, công tác CSSKSS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, chất lượng chăm sóc sức khoẻ sinh sản toàn dân ngày càng được cải thiện đáng kể, góp phần trong việc giảm tỷ lệ sinh, giảm tỷ lệ tai biến do mang thai sinh đẻ, nâng cao kiến thức các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là kiến thức CSSKSS cho vị thành niên và thanh niên.

Tuy nhiên, Bình Định gặp không ít khó khăn khi triển khai công tác CSSKSS: Địa bàn rộng, dân số đông so với các tỉnh trong khu vực; đặc biệt cơ cấu dân số trẻ, lứa tuổi bước vào độ tuổi sinh đẻ lớn, kiến thức hiểu biết về CSSKSS hạn chế. Đặc biệt đối tượng VTN/TN rất lớn kể cả trong nhà trường, cộng đồng, các doanh nghiệp, các trường Đại học, các trường chuyên nghiệp,… nhưng các họat động chưa bao phủ hết các đối tượng.

Chăm sóc SKSS VTN/TN là một trong số các mục tiêu của chiến lược chăm sóc SKSS, tuy nhiên, kinh phí phân bổ cho hoạt động này tại tỉnh còn hạn chế, các hoạt động chủ yếu là hoạt động lồng ghép nên thường bị động và không có kế hoạch cụ thể, hiệu quả chưa cao. Các hoạt động chủ yếu tác động đến việc cung cấp thông tin nhằm thay đổi hành vi mà chưa có những hỗ trợ cho việc cung cấp dịch vụ nên hiệu quả tác động vẫn còn những hạn chế nhất định.

Nhiều chương trình, dự án đầu tư cho về truyền thông và dịch vụ chăm sóc SKSS phù hợp cho vị thành niên/TN được triển khai như: Trung tâm tư vấn, Nhóm giáo dục đồng đẳng phòng chống HIV/AIDS, Quán cà phê tư vấn... Trường dạy nghề thanh niên, Nhà văn hóa thanh thiếu niên...đã và đang hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, Những chương trình can thiệp trên mới chỉ triển khai ở một số địa bàn với số rất ít vị thành niên và thanh niên trẻ được tác động. Các cơ sở tư vấn còn quá ít và nghèo nàn. Chưa có một mô hình nào thực sự thu hút được đông đảo lực lượng vị thành niên tham gia.

Ngành Y tế đã xem vị thành niên là một đối tượng của hoạt động chăm sóc SKSS, nhưng cho đến nay tại các cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS vẫn chưa bố trí riêng một nơi cung cấp dịch vụ, tư vấn phù hợp với lứa tuổi này.

          Các hoạt động CSSKSS VTN/TN ở các vùng miền núi có người dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đầu tư, chủ yếu tác động đến các đối tượng là học sinh ở các trường dân tộc nội trú. Tình trạng tảo hôn, có thai sinh con sớm ở tuổi vị thành niên còn cao, ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ VTN và chất lượng dân số.

b) Kiến nghị:  Đề nghị Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam vận động Tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh trong công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên như xây dựng các cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS để cung cấp dịch vụ, tư vấn phù hợp với lứa tuổi này. 

c) Địa bàn thực hiện: Các huyện miền núi.

d) Đối tượng ưu tiên: Vị thành niên

Nội dung thứ ba: Chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi.

a) Thực trạng: Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm  2019, dân số Bình Định là.486.918 người, số người cao tuổi của tỉnh là 210.809 người , chiếm tỷ lệ 14,2%.

 Tỷ lệ người cao tuổi của tỉnh luôn cao hơn cả nước (năm 2019 tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam là 11,9% trong khi đó tỷ lệ người cao tuổi của Bình Định năm 2019 là 14,2%) và đang tăng khá nhanh từ 10,82% năm 2009 đến năm 2019 đã là 14,2%. Như vậy, Bình Định đã bước vào giữa giai đoạn già hóa dân số (giai đoạn “Già hoá dân số” khi số người từ 60 tuổi trở lên lớn hơn 10% đến <20% tổng dân số). 

Tuổi thọ bình quân cả nước lần lượt 72,8 tuổi và 73,6 tuổi, tăng 0,8 tuổi; Bình Định 71,9 tuổi và 73,5 tuổi, tăng 1,6 tuổi. Như vậy, tuổi thọ bình quân của Bình Định đã tăng gấp hai lần so với cả nước.

Tỷ lệ người cao tuổi tăng cao là thành tựu của sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tỷ lệ người cao tuổi tăng tác động sâu sắc tới khá nhiều khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Về mặt sức khỏe, người cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều tiềm ẩn bệnh tật, gia tăng các bệnh mạn tính, gia tăng nguy cơ tàn phế do giảm hoạt động chức năng hàng ngày bởi các bệnh mạn tính, chi phí y tế tăng cao (chi phí y tế cho người già cao gấp 7 - 10 lần người trẻ). 

Theo báo cáo của các cơ sở y tế trong toàn tỉnh năm 2019:

- Có 01 bệnh viện thành lập khoa Lão khoa (BVĐK tỉnh);

- Số khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi: 8 khoa.

- Số phòng điều trì dành riêng cho cho người cao tuổi (NCT): 21 phòng

- Số giường điều trị nội trú dành riêng cao NCT: 165 giường

- Số nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa: 21 người

- Số NCT được khám sức khỏe định kỳ (ít nhất 01 lần/năm) theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BYT: 83.999 người, chiếm tỷ lệ 39,8%.

- Số NCT được lập hồ sơ (theo dõi sức khỏe theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BYT): 87.174 người, chiếm tỷ lệ 41,4%.

- Số NCT được tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe (theo quy định tại Thông tư số 35/2011/TT-BYT): 165.809 người, chiếm tỷ lệ 78,7%.

- Số NCT bị tàn tật, di chứng chấn thương, tai nạn, tai biến, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp…được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng: 23.746 người, chiếm tỷ lệ 11,3%.

- Số NCT cô đơn bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần nhân viên y tế đến khám tại nhà: 4.756 người, chiếm tỷ lệ 2,3%.

- Số NCT có bệnh mạn tính không lây nhiễm (ít nhất 01 bệnh): 109.945 người, chiếm tỷ lệ 52,2%.

- Trong những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai việc khám, quản lý sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại cộng đồng; hàng năm, Trạm y tế phối hợp với Hội người cao tuổi và các ngành liên quan tại địa phương lập kế hoạch tham mưu UBND xã hỗ trợ kinh phí để khám quản lý sức khỏe cho NCT; các chương trình dự án y tế được triển khai, từng bước mở rộng có đối tượng chính là NCT như: dự án phòng chống tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư...; các chương trình, kế hoạch phối hợp khám chữa bệnh nhân đạo cho đối tượng là NCT cũng được các cơ sở y tế tích cực thực hiện.  

Mặt dù công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm; tuy nhiên việc thực hiện  chăm sóc sức khỏe cho NCT còn gặp nhiều khó khăn: 

- Nhân lực y tế được đào tạo lão khoa còn rất thấp (21/5167= 0,004%) đặc biệt là đội ngũ bác sĩ có chuyên khoa Lão khoa và khoa phòng Lão khoa tại các bệnh viện tuyến huyện. 

- Kinh phí dành cho công tác chăm sóc NCT thấp, việc huy động các nguồn lực từ cộng đồng và toàn xã hội còn hạn chế. 

- Các chế độ BHYT, trợ cấp hàng tháng hiện nay mới áp dụng cho người cao tuổi từ 80 trở lên, còn từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi chưa được hưởng chế độ này.

- Do quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”, đa số NCT còn rất thụ động, sống phụ thuộc vào con cháu không có tự lập về tài chính cũng như tinh thần, các chế độ chính sách dành cho người cao tuổi ít được quan tâm.

 

Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể cũng như của cộng đồng và toàn xã hội. 

b) Kiến nghị: 

- Huy động các nguồn lực ủng hộ, chăm lo đời sống và sức khỏe cho NCT.

- Tăng cường nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT. 

- Đầu tư kinh phí thành lập thêm khoa Lão khoa; khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; số phòng điều trì dành riêng cho cho NCT; trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT.

- Tăng cường kinh phí đầu tư cho công tác truyền thông về chăm sóc NCT

          - Đẩy mạnh xã hội hoá về công tác chăm sóc NCT; đa dạng hoá nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình.

- Tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực NCT; tranh thủ sự trợ giúp kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện chương trình.

- Mở rộng đối tượng và hỗ trợ về BHYT và trợ cấp hàng tháng cho NCT từ 60 đến dưới 80 tuổi.

          - Triển khai các mô hình chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng.   

- Xây dựng các trung tâm chăm sóc sức khỏe tập trung dành cho NCT.

c) Địa bàn thực hiện: Toàn tỉnh

d) Đối tượng ưu tiên: Người cao tuổi.

3.4. Lĩnh vực Phòng chống, giảm nhẹ thiên tai:

3.4.1. Thông tin chung về lĩnh vực Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai:

Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: bão, lũ, hạn hán, gây thiệt hại về người và tải sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân và quá trính phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đảo của các cấp, các ngành, công tác phòng, chống thiên tai đã được nâng cao, khả năng phòng ngừa và ứng phó có chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong 10 năm gần đây, thiên tai đã làm 237 người chết, mất tích, 159 người bị thương; 2.860 nhà sập, cuốn trôi, 16.940 nhà hư hỏng; 184 tàu thuyền chìm, 65 tàu hư hỏng; sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp; cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện lực bị tổn thất nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tổng thiệt hại ước tính 8.800 tỷ đồng.

3.4.2. Các nội dung ưu tiên trong lĩnh vực Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai:

Nội dung thứ nhất: Thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tỉnh Bình Định.

a) Kiến nghị: Đề nghị Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam vận động Tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh trong công tác nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền địa phương ở các cấp về quản lý, triển khai thực hiện hoạt động quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tăng cường truyền thông giáo dục và nâng cao năng lực cho cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

b) Địa bàn thực hiện: Toàn tỉnh

c) Đối tượng ưu tiên: Cán bộ chính quyền địa phương ở các cấp và người dân

Nội dung thứ hai: Xây dựng Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh Bình Định.

a) Kiến nghị: Đề nghị Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam vận động Tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh xây dựng Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai với quy mô nhà 3 tầng, diện tích đất bố trí xây dựng là 313 m2, diện tích xây dựng là 230m2, diện tích sàn 690 m2, và trang thiết bị thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo điều hành trực tuyến; nhằm nâng cao năng lực và kịp thời trong tham mưu chỉ đạo ứng phó với thiên tai; là kho dự trữ vật tư, trang thiết bị PCTT của tỉnh, tiếp nhận và triển khai cứu trợ khẩn cấp.

b) Địa bàn thực hiện: Thành phố Quy Nhơn.

4. Cơ quan đầu mối về công tác PCPNN ở địa phương:

Địa chỉ: Sở Ngoại vụ, 59-61 Lê Hồng Phong, Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

Điện thoại: 0256.3821198

Email: nguyenlenaqn@gmail.com

Yên Bái
25/05/2023 1.521 lượt xem
Vĩnh Phúc
25/05/2023 0 lượt xem
Tuyên Quang
25/05/2023 1.599 lượt xem
Trà Vinh
25/05/2023 1.660 lượt xem
Tiền Giang
25/05/2023 1.576 lượt xem
Thừa Thiên Huế
25/05/2023 1.603 lượt xem
Thanh Hóa
25/05/2023 1.549 lượt xem
Thái Nguyên
25/05/2023 1.473 lượt xem
Thái Bình
25/05/2023 1.529 lượt xem
Sóc Trăng
25/05/2023 1.590 lượt xem
Quảng Trị
25/05/2023 1.553 lượt xem
Quảng Ngãi
25/05/2023 1.447 lượt xem